11 đầu và 1000 tay của BHT

Khi làm việc giúp người trong thế giới hữu hình và vô hình lâu như vậy thì tay bắt đầu ra nhiều và ngày càng nhiều hơn... cho đến lúc ra đúng cả ngàn cái tay và có 11 cái đầu... Công dụng của ngàn tay là để giúp người, BHT thấy vậy đó, chứ ngàn tay chẳng để làm gì cả... vì cần giúp quá nhiều người nên Quan Thế Âm Bồ Tát mới nghĩ ra cái cách là mình phải có ngàn tay mới đủ để giúp! Khi hành động giúp người như vậy thì BHT hiểu ra rằng muốn có ngàn tay thì cứ lăn xả vào giúp người là tự nhiên nó mọc ra cho mình phương tiện để mình đi giúp thôi… Vì tâm nguyện mình mong muốn cứu giúp được nhiều người nên Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát đã ra một ước nguyện, một hình ảnh vậy để thỏa mãn cái tâm giúp người cho tất cả những ai tu tập theo phương pháp của Ngài.
Luôn tiện đây BHT kể cho mọi người nghe về Chuyện Mười Một Chiếc Đầu của BHT: Những cái đầu đó cũng vui lắm, tuy là có Mười Một cái nhưng chỉ có Chín cái là nói chuyện thôi, còn hai cái trên cùng thì lúc nào cũng im lặng ngồi nhìn Chín cái kia nhí nha nhí nhô mà thôi. Có lúc Chín cái đầu cùng nói nhao nhao lên một lúc BHT chẳng biết phải nghe cái nào nữa, lúc đó BHT phải la lên là "Im Lặng coi" rồi chỉ cho từng cái đầu nói, Ông nói trước nghe coi… rồi đến ông kế tiếp… và từ từ từng cái đầu cho BHT ý kiến của nó… Chín cái đầu cho BHT 9 ý kiến... hihi.
BHT làm thử với từng cái một để coi cái nào là hợp và thuận tiện với BHT nhất thì BHT sẽ dùng ý kiến đó cho mình. Đôi lúc những cái đầu cũng có thắc mắc tại sao lại chọn của cái này mà không chọn cái kia? Lúc đó BHT trả lời rằng để thử coi ý kiến này có hợp với tất cả chúng ta hay không, nếu không hợp thì chúng ta sẽ đi qua dùng ý kiến của người kế tiếp… và cứ thế thì từng cái đầu đều được thử qua ý kiến của mình… rồi sau cùng chọn ra một cái tốt nhất…
Cũng có khi cả mười một cái đầu cùng chung một ý giống nhau nữa. Đôi lúc mấy đầu đó cũng cãi lộn tứ tung lung xèng cả lên… Lúc đó BHT cũng chẳng biết phải làm sao, liền phải ra tay mà làm quan tòa cho những cái đầu đó... BHT nói rằng: "Thôi im lặng đi, mấy ông có biết là mấy ông có chung một cái thân thể thôi hay không mà cằn nhằn cẳn nhẳn nhau vậy… chia sẻ với nhau đi đừng có lộn xộn nữa.. "
Có đôi lúc Chín cái đầu đó cũng chẳng thèm nghe lời cảnh cáo của BHT luôn…
Chín cái đầu giống như chín đứa con, khi thì hiền lành mà cũng có lúc quậy phá, la lối om sòm làm mình cứ phải phân xử để cho chúng im lặng và vui vẻ hòa đồng cùng nhau. BHT cũng chẳng hiểu tại sao có lúc những cái đầu lại cãi vã với nhau như vậy nữa! hihi. Chỉ riêng Hai cái trên cùng thì chẳng bao giờ thèm nói chuyện gì với BHT cả mà cũng chẳng bao giờ đếm xỉa gì đến chuyện của chín cái kia luôn. Giống như những kẻ bất cần vậy đó, không thèm nói chuyện nói vãn gì với ai..
Tới giờ BHT cũng không biết hai cái đầu đó đang nghĩ cái gì luôn! hihi.

Những cái đầu thì không bao giờ sử dụng đến những cánh tay, chỉ có BHT sử dụng nó thôi. Những cánh tay rất dài khi mình làm cái gì mà mình nghĩ là mình cần đến nó thì tự nhiên nó dài ra cho vừa với chuyện mình cần làm... nó có thể dài từ núi này qua núi kia. Có thể dài từ Mỹ về Việt Nam, có thể dài ôm bao bọc cả Trái Đất mà vẫn còn dư… Tâm mình muốn nó dài bao nhiêu thì nó sẽ dài mấy nhiêu... rồi có thể thò vào bụng người ta để xoa nắn sờ cho họ bớt đau… làm đủ thứ chuyện… vui lắm! Nhiều trò với ngàn cánh tay và chín cái đầu này lắm! hihi.

BHT học tiếng Việt như thế nào?

Con sinh ra ở Mỹ, con không được đi học tiếng Việt ở một trường lớp nào cả, lúc đầu con không nói rành về tiếng Việt cho lắm. Con được Ông Phước chỉ cho cách để học tiếng Việt từ Mẹ của con là: Khi Mẹ con nói chuyện thì con đem hình ảnh của Mẹ vào trong màn tivi của mình rồi tác ý là con muốn học tiếng Việt như Mẹ. Con làm như vậy trong khoảng hai tuần thì con bắt đầu hiểu và nói tiếng Việt tương đối khá hơn… Và sau này con học bất cứ điều gì con cũng làm theo phương cách này để học hỏi..
Mẹ con cũng tập như con, nên việc con đi vào suy nghĩ (vào tâm tư của Mẹ rất dễ dàng... Khi con suy nghĩ một vấn đề hay một câu hỏi gì của mọi người xong, con sẽ đem tất cả những ý nghĩ đó vào trong tâm của Mẹ đưa vào thẳng trong màn tivi của Mẹ rồi con tác ý là chuyển dịch lại qua tiếng Việt cho Mẹ hiểu được trọn vẹn ý nghĩ của con. Sau khi Mẹ hiểu được những suy nghĩ đó của con rồi thì Mẹ sẽ viết ra lại bằng tiếng Việt. Khi Mẹ trình bày xong một bài viết bằng tiếng Việt rồi thì nhiệm vụ cuối cùng của con là đưa cả bài đó vào lại trong màn tivi của mình để xem xét coi lại nó có trùng khớp với bài tiếng Anh của con hay không? và cần phải chỉnh sửa chữ nào thiếu hay chữ nào dư thì màn tivi sẽ báo lại cho con biết, đồng thời còn cho con biết độ chính xác đó là bao nhiêu phần trăm (%) trong cách chuyển dịch nữa. Mẹ là một thông dịch viên tư tưởng, là một cây viết biết di động của con! Đó là cách con đưa suy nghĩ và sự hiểu biết của mình lên diễn đàn là như vậy.
Con cảm thấy mình không đủ từ đủ chữ để diễn tả vì những cái con được thấy, được hiểu và cảm nhận được nó hơn rất nhiều so với những gì con nói ra, khi phải trình bày lại cho mọi người hiểu thì con không biết phải dùng chữ như thế nào mới vừa đủ cho những điều hiểu biết đó… lại thêm con không hề biết một chữ Kinh nào cả, chưa hề đọc qua một cuốn Kinh nào hết... Nên đối với con rất là khó khăn khi diễn tả một cái vô cùng bằng những từ ngữ hạn chế của mình… Con muốn chia sẻ với mọi người những gì con cảm nhận được… để cho tất cả cùng được cảm nhận như con… con cố gắng, cố gắng trong khả năng hạn hẹp mà mình có thể làm được.
Con rất vui khi được mọi người thích thú khi đọc bài của con!
Tập được cái trò này rồi thì sự hiểu biết không còn dựa trên tuổi tác nữa mà được tính bằng khả năng tu tập của mình.
- Khi vào được Đàn Pháp Quan Thế Âm Bồ Tát rồi thì chúng ta sẽ có tới 11 cái đầu, suy nghĩ tăng lên hơn người bình thường gấp 11 lần và có tới cả ngàn cái tay… và làm việc cũng hơn lên cả ngàn lần.
- Còn về kinh nghiệm sống thì không phải tính bằng tuổi già mà được tính bằng kiếp sống... Lúc này thì con đã coi trên hơn 40 kiếp, để rút ra những kinh nghiệm cho mình và nói lại cho mọi người cùng biết.
- Khi vào được trong Liên Hoa Tạng thì lại được học Kinh, trong đó là một kho kiến thức bao la của vũ trụ…

Tất cả những kiến thức và sự hiểu biết này đều do từ cách Tập của Ông Phước dạy cho con. Đó là tất cả những gì mà Tu Tập đã mang lại cho một đứa bé như con.

kẹo 'dụ dỗ' cái Tâm

Hỏi: Bé cho chị hỏi làm thế nào "dụ dỗ" cái tâm (bằng đá) của mình cho nó chịu nghĩ đến Ông Phật và niệm Phật lúc mình rảnh rỗi
Bé hạt tiêu: Muốn "dụ dỗ" thì trước hết phải làm cho cái Tâm mình thích cái chuyện đó thì mình mới dụ được nó, nếu mình không tìm ra được cách nào làm cho nó thích thì chuyện "dụ dỗ" của mình không bao giờ làm được. Đừng bao giờ quên đặt tình cảm từ Trái tim mình vào bất cứ điều gì vì chính nó sẽ mách bảo cho chị biết phải làm thế nào một cách thông minh nhất!
Ví như BHT thì thích kẹo, chị muốn dụ bé thì chị phải cho bé kẹo thì bé mới theo chị chơi! hihi Kẹo gì Tâm của chị thích chị biết hông? Chị phải đi tìm ra cái kẹo nào mà Tâm chị thích nhất để dụ nó nhen!
Cách dụ dỗ BHT cũng không biết phải chỉ chị làm sao nữa..
Như BHT rất thích chơi game nên BHT đã đem cái tập đó vào trong Game, rồi coi tivi cũng thích nên đem cái đó vào trong màn tivi hỏi và chiếu cho mình coi! BHT chơi nó không kể ngày đêm, đêm càng chơi nhiều hơn ngày nữa vì đêm là hoàn toàn 100% không phải chia ra 50% cho những gì mình phải làm mà không thích! hihi. Đó là cách BHT dụ tâm mình tập là vậy đó.
cocay: niệm Phật trước khi mình chìm vào giấc ngủ nhé?

Bé hạt tiêu: Để làm sao biết mình khi ngủ vẫn nhớ đến niệm bằng cách là mình nắm trong tay một tượng Phật nho nhỏ hay cầm xâu chuỗi nhỏ, cố gắng giữ, làm như vậy mà đến sáng ra mình vẫn còn cầm trong tay được thì chứng tỏ suốt đêm qua "Linh Hồn" mình nó có niệm Phật hay nghĩ tới Phật đi thăm Phật mà thể xác thì "ngủ như chết"! (ngủ là chết mà vẫn thở!) hihi.

CHẾT ĐI VỀ ĐÂU ?

            Chết là một sự thay đổi chỗ sống cho phù hợp với thể trạng của linh hồn
Bé hạt tiêu: 
Mình không thể chọn được nơi đâu mình sẽ sinh ra
Mình không thể chọn được lúc nào mình sẽ chết
Nhưng chúng ta có thể chọn được nơi mình "CHẾT ĐI VỀ ĐÂU"
Có 3 nơi để về:
1/ Ngay trên Trái Đất này cõi Ta Bà (Trung Giới)
2/ Trên Thiên Đàng là cõi A Di Đà Phật hay về với Chúa.
3/ Là Địa Ngục. Ngạ Quỷ.

Cách chúng ta chọn để đi là do suy nghĩ của mỗi người trong cuộc sống sẽ đăng ký vé về những nơi mà tâm thường ngày chúng ta đã suy nghĩ.
1/ Khi chúng ta quá lưu luyến với gia đình, của cải vật chất với thế gian thì chúng ta sẽ ở lại Trái Đất trong cõi Trung Giới. Gồm có những Linh Hồn như:
- Những tâm hồn thích giúp đỡ người khác thì sẽ trở thành những thiên thần trong cõi này để tiếp tục làm việc thiện giúp người của họ.
- Những tâm hồn đau khổ buồn rầu, tiếc của cải vật chất thì thành Ma, quỷ, hay súc sanh ở lại giữ của…
2/ Là những người phát tâm đi về cõi Phật tu tập thì họ ngày đêm chuyên chú vào việc niệm Phật hay thiền quán, những tư tưởng hướng thượng đó sẽ dẫn họ về Đất Phật.
3/ Là những người ăn nói gian dối, gạt người mưu hại kẻ khác, tâm địa độc ác sau khi chết sẽ bị tư tưởng gian dối, gạt gẫm làm cho sợ hãi vì những hành động quá ác của mình mà chạy tìm nơi ẩn núp, nên đã chạy về cõi Địa Ngục, Ngạ quỷ.
Chết là một sự thay đổi chỗ sống cho phù hợp với thể trạng của linh hồn.
Thiên Đàng hay Địa Ngục đều do tâm tạo thì lòng mình muốn đi về đâu hãy tự mình đăng ký vé cho tâm mình với cái nơi đó trước đi…

Là cứ mỗi ngày khi đêm xuống biết mình đi gần về cái chết thêm một chút nên hãy cố gắng vui vẻ nghĩ đến cái nước Thiên Đàng mà mình đang muốn đi về đó, để lỡ Tử Thần có kêu bất tử thì cũng biết nhớ mình đi về đâu! hihi.

Sự thật, nói thật và làm thật

Sự Thật thì con thấy được nhiều lắm. Thấy đến nỗi phát sợ nó luôn và không biết mình phải làm gì trước những "Sự Thật" đó ngoài việc là chỉ biết Cầu Nguyện cho tất cả! Cái khó của "Sự thật" là phải giữ gìn nó như thế nào, để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và suy nghĩ của mọi người. Vì mình cần phải có trách nhiệm trước "Sự Thật"
Theo con nghĩ một người sống với Sự Thật là:
- Sự Thật: Là Sống thành thật với suy nghĩ của mình đối với mọi người
- Nói thật: Là mỗi lời nói đều phải có trách nhiệm trước mọi người.
Nếu "sự thật" cần phải im lặng để một điều gì đó được nghe ra thì sự im lặng là cần thiết cho "Sự Thật". Điều gì con không thể nói ra thì con chọn cách im lặng, vì Sự Thật không bắt con phải nói tất cả về nó.
- Làm thật: Là mọi hành động phải có trách nhiệm trước toàn thể nhân loại.
"Sự Thật" được thể hiện trong mọi trường hợp phải được dùng như là cứu cánh (mục đích cuối cùng) chứ không phải là một phương tiện (cách thức) để chứng tỏ cho mình là thành thật.
Nghĩa là phải dùng "Sự Thật" đó để giúp cho người khác đạt đến mục đích của họ, chứ không phải nhằm để biểu dương sự thành thật của bản thân mình. Cái này đối với con rất khó, nên có lần con đã chọn cách "im lặng" với chú! Hihi
Con suy nghĩ như vậy và con đang cố gắng để làm những gì mình nghĩ.
HHDL: chú học đi học lại từng lời thấm thía quá.... chú đang tập nói Thật bằng cách này chú kể con nghe xem thử có được không nghe.... hiện giờ chú đang tập nói thật bằng cách chọn ra một người và nói thật 100% với người này.... người mà chú quyết tâm luôn luôn nói thật là Thầy...
Bé hạt tiêu: Chú khéo chọn người để nói Thật ghê! hihi
Cách chú chọn một người như Ông Phước để nói sự thật thì quá hay và quá đúng luôn.
HHDL: sau này tiến bộ rồi chú sẽ gia tăng số lượng người chú sẽ nói Thật lên...
Bé hạt tiêu: Nhưng khi đã thực hành với ông Phước xong thì chú vẫn không thể nào dùng cách đó cho người khác được, vì người khác đâu giống ông Phước đâu để mà "tin" như ông Phước được! hihi
Nếu tin một người không đáng tin thì chú đã đặt niềm tin không đúng chỗ và đã Nói Thật không đúng người thì chú đã tự giết mình không thương tiếc rồi! hihi.
Khi muốn Nói Thật một vấn đề gì cho người khác, mình cũng phải thành thật tự hỏi:
- Mình Nói Thật ra với mục đích gì?
- Nói như vậy để làm cái gì?
- Họ cần những thông tin Thật này cho cái gì? và vì cái gì mà họ muốn biết?
- Ảnh hưởng của Lời Nói Thật này như thế nào đối với mọi người nói chung và người đó nói riêng?
GiacTanh: Sự Thật: Là Sống thành thật với suy nghĩ của mình đối với mọi người. Suy nghĩ của mình về người ấy là tiêu cực (negatively) hay tích cực (positively) hoặc đủ cả thất tình lục dục thì mình cứ Sống thành thật với suy nghĩ của mình như thế đối với mọi người?
Bé hạt tiêu: Phải, cứ sống thật với những cảm nhận của mình về họ.
Người tốt ta nên gần, nhưng không quá chiều mà phụ họa. Kẻ tâm địa hư hèn ta nên tránh, nhưng không nên quá hất hủi, ruồng rẫy mà ra oán thù
Nếu đem cái thói cao ngạo khinh rẻ đối với Người tốt thì mình có mắt mà không tròng. Đem cái "chảnh" ta đây mà đối với kẻ tiểu nhân thì tự mình hại thân. Nên chi biết mình, biết ta, để mà giao tiếp cho đúng.
GiacTanh: Vì có khi con người thường hay đeo cái mặt nạ Đối Nhân Xử Thế để đối xử với nhau nên mới có câu: Bằng Mặt mà không Bằng Lòng nên chú Giác Tánh thấu hiểu cái mà BHT nghĩ về nội dung một người sống với Sự Thật là vậy! Khó chứ không dễ…
Bé hạt tiêu: Chú nhìn được gương mặt thật của họ, và không lầm tưởng chiếc mặt nạ của họ là gương mặt của họ vậy là chú hay quá rồi. Cái này khó nếu không có màn tivi, nếu có thì chỉ cần vài giây thôi họ sẽ lộ nguyên hình!
Cái khó ở đây của con là thấy quá nhiều sự thật xảy đến cho mọi người mà không biết phải làm sao, khi mà con người bị vô minh che chắn làm cho mù lòa không biết cái gì đang đến với mình, giống như những người mù băng qua đường hay đi trước bờ vực thẳm mà vẫn vô tư đùa giỡn…. Thấy rằng chỉ trong giây lát họ sẽ chết mà họ không biết cứ mải mê kiếm tiền, suy nghĩ làm sao cho có lời hơn…
Thấy những chuyện ở đời như vậy mà không làm gì được cho họ đó là cái khó của người thấy "sự thật" là vậy. Cái khó của con là làm sao cho người mù thấy ánh sáng, người câm hiểu tiếng nói và người điếc nghe ra lời. Để làm được những điều trên con cần phải có tình cảm từ Trái Tim vì Trái tim cảm nhận được những gì mà đôi mắt không thể thấy. Khi người ta có thể nhìn rõ bằng trái tim mình thì không cần nói vẫn có thể nghe và không cần nghe cũng có thể hiểu… Đó là khi Vô Minh đã hết…
GiacTanh: Tựu chung cũng vì không muốn bị REJECTION (loại bỏ) hoặc vì PERSONAL INTEREST (tư lợi) bị ảnh hưởng nên khó mà Sống thành thật với suy nghĩ của mình đối với mọi người.
Bé hạt tiêu: Chân thành được mọi người yêu chuộng, nhưng dễ bị phỉnh gạt và lợi dụng, nhưng có lúc người ta tình nguyện để lợi dụng! . Chính vì mọi người ai cũng thích thành thật nên đó là bí quyết lớn nhất để chúng ta cần phải sống thành thật. Vì ai cũng thích được yêu chứ đâu ai muốn bị ghét!
- Để tập sống thật theo cách của con thì có những điều như vầy:
"Sự Thật" của một chuyện gì chẳng qua cũng là do Nghiệp (Karma) của mọi người mà ra. Khi nhìn ra như vậy thì mình thấy rằng:
"Sự Thật" giúp chúng ta nhìn thấu suốt vấn đề chứ không nhằm để chúng ta chứng minh. Sống chân thật với chính mình và mọi người. Những gì người khác cần đến con thì con trao ra cho mọi người, với tất cả thành tâm thành ý. Còn họ đón nhận thế nào đó là chuyện của họ.
Tinh thần và tâm trí sẽ rất mệt mỏi, nếu tâm hồn không thành thật
Chúng ta cần một tâm hồn thành thật khỏe mạnh để giúp chúng ta tu tập cho tốt. Sự thành thật của bản thân cần dùng cho mục đích cuối cùng để tu tập. Đó là tại sao chúng ta cần sống Thành Thật.
GiacTanh: Cái trách nhiệm mà BHT nói đó - trước mọi người - là như thế nào?
Bé hạt tiêu: Khi làm hay nói, mọi việc đều nghĩ cho người ta trước khi nghĩ cho mình.
Vì "Sự Thật" chẳng qua chỉ là "Nghiệp", đã là Nghiệp thì không cần sự phán xét của ai, không cần ta phải chứng minh hay làm nhân chứng nữa. Nên chuyện mình là tìm cách giải quyết chứ không phải đi xác định lại cái đã rồi, mà mình gọi là "Sự thật".
Đem tình thương ra để đối xử trong mọi trường hợp, phải được coi như là một cứu cánh cho người chứ không bao giờ như một phương tiện chứng tỏ cho sự hiểu biết của mình. Nghĩa là dùng cái hiểu biết (thấy) sự thật của mình giúp họ, nhìn giùm họ để tìm ra lối thoát nếu mình có thể làm. Đó là cách dùng sự thật của họ cho chính họ. Còn không thể làm được thì chỉ còn cách là im lặng cầu nguyện cho họ mà thôi!
GiacTanh: Điều gì con không thể nói ra thì con chọn cách im lặng, vì Sự Thật không bắt con phải nói tất cả về nó. hay là còn có Ý gì khác?
Bé hạt tiêu: Riêng trong trường hợp của chú thì trong việc nhìn "Xá Lợi" Con thấy đó không phải "Xá Lợi".

Nhưng cảm thấy nếu con nói cái đó không phải là "Xá Lợi" thì chắc chú sẽ thất vọng lắm và mọi người trong nhà chú cũng vậy, vì đó là niềm tin là sự hãnh diện đối với gia đình và dòng họ.... Đứng trước những thứ đó, con không biết mình phải nói sao đây để không làm chú buồn, nên con im lặng... ngoài ra chẳng có ý gì khác nữa. Có thêm một điều mà con không muốn nói, nhưng chú hỏi thì con đành thưa thiệt là "nếu chú tập mà hỏi con thì con thích hơn". Vì khi không tập mà hỏi, có những cái màn tivi của con nó không thèm trả lời vì có nhiều chi tiết không đáng quan tâm mà trên câu hỏi lại có!
BHT

Người đang tu mà chết giữa chừng

Người đang tu mà chết giữa chừng và khi đi tái sanh lại, và có những trường hợp chính như sau:
1. Tái sanh y như bình thường: Có nghĩa là khi linh hồn nhập thai vào cái trứng thì không nhớ gì hết, cho tới khi sanh ra cũng chẳng nhớ ra cái gì cả: Người này sanh ra y như bọn mình! Và do tu hành được pháp môn hay quá! Và nếu lấy kinh ra thì thấy đúng y chang như kinh Phật, và tu được thành công nên phát nguyện giúp bà con:
Người này là Bồ Tát sống và biết ăn cơm.
2. Người, khi sinh ra thuộc vào loại trên, lại có thể rơi vào nhân duyên tu thành mức độ Bồ Tát ở một cõi nào khác (cõi A Di Đà Phật chẳng hạn) từ chỗ này, người này phát hiện ra là chính mình đã có những ác nghiệp như vầy, như kia thì phần đông lại có hai (2) khuynh hướng trả nghiệp như sau:
2a. Tái sanh vào cõi ác để trả nghiệp cho sớm :
Vì đã là Bồ Tát nên không thể nào vào Địa Ngục được nữa, mà chót nhất là Ngài đi vào cõi súc vật với thân hình to lớn, đẹp đẽ. Nhưng vì cũng không phải là chỗ ở tương xứng với cái "Thiện Tâm tương ứng với Quả Vị Bồ Tát" nên tuổi thọ lại của các Ngài ở các cõi này lại chẳng có bao lâu! Thông thường.... Trên dưới một tuần là mãn phần.
2b. Tái sanh vào Con Người để trả ác quả của mình bằng việc thực hiện những việc thiện: Số này đông hơn khi so sánh với những vị ở phần trên (2-1.) . Các Ngài có nhiệm vụ vừa tu vừa thi hành thiện nghiệp nên các Ngài có tuổi thọ lâu hơn.
3. Kết quả ra sao?
3a. Các Ngài ở dạng (2a.) sau khi trả xong thông thường là trở lại cõi Phật của mình và sống an tịnh như vậy một thời gian: Các Ngài sống trong sự thanh tịnh vì các ác quả đã được trả xong qua cú phóng chúi ngoạn mục như đã trình bày.
Ở đây lại có hai trường hợp:
i. Các Ngài cứ sống thanh tịnh một thời gian và vào Niết Bàn luôn
ii. Các Ngài nhớ lại bà con mình còn sống ở các khổ cảnh (thông thường là do lời hồi hướng của người thân trong gia đình). Và từ đây các Ngài lại thành Nhất Sanh Bổ Xứ: Vốn là tên gọi của một dạng Bồ Tát với đặc tính là: Nhập Thai Biết, Xuất Thai Biết. Những Ngài này đi tới đâu là hoàn thành nhiệm vụ tới đó.
3b. Các Ngài ở dạng (2b.) Vì rơi vào những nơi có thể tu hành ngon lành và đồng thời có chỗ để dợt tay nghề nên các Ngài có nhiều phương hướng để thành Bồ Tát thứ thiệt hơn.
i. Các Ngài có thể thành Bồ Tát thứ thiệt ngay trong kiếp sống này!
ii. Các Ngài có thể lên trển mà thành Nhất Sanh Bổ Xứ, hoặc là vào Niết Bàn.
củkhoaisùng: Lại hỏi thêm BHT là: Đây có phải chỉ là trường hợp cá biệt thôi hay thường xảy ra? và nó có tác dụng tích cực ra sao so với việc tu tập đến NSBX rồi xuống độ sanh và trả nghiệp luôn thể
Tibu: Toàn là biệt nghiệp và dành cho những vị thượng căn có những suy nghĩ táo bạo! Các Ngài muốn đánh nhanh thắng lẹ mà ra các kiểu tu lạ đời này.
Con hỏi hay quá là hay
củkhoaisùng: Chú có nói "Niết Bàn thì có nhưng lại không có ai vào" . Điều này có nghĩa là thế nào ạ?
Tibu: Niết Bàn là chỗ không còn bản ngã. Nên khi chưa vào đó thì còn cái bản ngã, còn Cái Tôi, Cái Của Tôi,.... Nhưng khi vào Niết Bàn thì không có bản ngã.
Do tình trạng không có bản ngã này, nên chính xác mà nói thì "Không có ai vào đó cả" là vậy đó.
củkhoaisùng: Nhập Niết Bàn một cách chủ động khác thế nào với nhập Niết Bàn do thiếu tự chủ. nếu khác thì Niết Bàn phải được hiểu thế nào mới đúng
Tibu: Không có nhập Niết Bàn với tâm thức ù lì, không tự chủ. Mà từ sự tỉnh thức và sáng suốt nhất thì hành giả mới có thể nhập được. Thể hiện bằng Cái Ánh Sáng rất là khác lạ: Tức là rất là mạnh, mạnh chưa từng có.
Đi vào Niết Bàn là chủ động, không có chuyện tự nhiên, hoặc là không có tự chủ, ngay cả thiếu tự chủ cũng không được. Vì sự tỉnh thức lúc này (lúc sắp vào) nó rất là mạnh mẽ.
1. Như vậy hiện tượng ánh sáng xuất hiện là vì hành giả đã có đủ điều kiện để vào rồi:
11. Ác nghiệp vừa sạch sẽ ---> đưa đến sự thanh tịnh ---> Vì không bị cái gì chi phối nữa nên ---> Ánh Sáng xuất hiện và hành giả có điều kiện vào Niết Bàn.
2. Khi áp dụng công thức Diệt Thọ Tưởng Định và ngay khi đó thể xác hết khả năng sống thì Ánh Sáng lại hiện ra và Hành Giả vào Vô Dư Niết Bàn.
Như vậy căn cứ vào những báo cáo của những người đi trước thì bọn mình nên hiểu về Niết Bàn như sau: Sau cái Ánh Sáng thì mới là Niết Bàn, còn khi thấy Ánh Sáng rất là mạnh này chỉ là hình ảnh gần tới Niết Bàn mà thôi.
Còn chính thức Niết Bàn nó ra làm sao thì Đức Phật nói là:
- - Hãy tới đó mà coi!
củkhoaisùng: Trường hợp Chú Sơn sẽ nhập Niết Bàn với quả vị Độc Giác Phật, có nghĩa là Chú ấy chỉ khó có thể độ sinh hiệu quả trong kiếp này và ở quả địa cầu này thôi phải không ạ? Vậy Niết Bàn đối với Chú ấy có tương tự như với Phật Thích Ca (là độ chúng sinh trong vô vi)?
Tibu: Y chang như nhau chớ
Có thể hiểu là chỉ cần cho một viên đạn vào đầu là thăng! (ví dụ như Các Độc Giác Phật). Còn Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thì bị nhiều viên đạn trên thân thể và một viên ngay đầu! Như vậy: Những viên đạn trên thân thể là những hư hao khi Ngài chỉ cho các Vị khác tu hành. Và viên ngay đầu là cách thức mà Ngài nhập Niết Bàn. Như vậy: Cả hai đều như nhau.
steelich: cho con hỏi cái biết và Niết Bàn thì liên quan tới nhau như thế nào?
Tibu: Niết Bàn là chưa có ai nói gì được về nơi đó cả.
Ngôn ngữ mà mình dùng ở đây là dụng cụ để diễn tả về thế giới vật lý, thế giới hiện tượng. Nên không phải là dụng cụ hoàn hảo để nói về cái này.

Do vậy mà khi đọc về Niết Bàn thì nó có cảm giác là "Cũng Như Không".
Tibu