phân tích của NIẾT BÀN TẦM

TIBU: Bài của NBTầm rất sát với thực tế, rất là rõ ràng, kỹ lưỡng.

Ngoại Kích: Cháo nóng húp quanh

Nhân dịp Ba có trình bày về đề tài Chất lượng Cuộc sống (Wellbeing) và Thiền định, Ba muốn ghi lại những cảm nhận của mình trong bài nói chuyện. Tất cả đều từ sự suy niệm và kinh nghiệm của chính bản thân.
1. Chất lượng cuộc sống là gì?
Khi hỏi câu này, mỗi người chúng ta đều có một sự suy nghĩ, đối chiếu, so sánh, rồi đúc kết ra những tiêu chí của mình, phù hợp với mình, hay mong ước của mình. Đối với Ba, đó là tự bằng lòng với những gì mình đang có, tâm thanh tịnh, cuộc sống nhẹ nhàng không bon chen, không dao động khi gặp biến, không lo nghĩ nhiều hay quá xa, và đặc biệt là không tham ái.
2. Những trở ngại?
Vậy cái gì đã và đang cản trở chúng ta đạt được (hoặc duy trì) một cuộc sống như thế? Có nhiều, nhiều lắm lận. Thử tự hỏi nhé:
+ Có bao nhiêu cuộc họp, gặp gỡ, thăm viếng mình phải thực hiện mỗi ngày? Gần như ngày nào cũng ngập những cuộc gặp như vậy. Rồi mình thường xuyên có ý nghĩ: Chẳng đủ thời gian gì cả.
+ Có bao nhiêu thứ phải làm cho xong hôm nay? Rồi tự đưa mình vào cảm giác căng thẳng, áp lực.
+ Có bao giờ mình quán sát cái cảm giác máu sôi chạy trong người khi ai đó làm mình phật ý, tức giận? Nó lên tới đâu, nghẹn ở chỗ nào, khi nào thì nguôi?
+ Có hay không những góc tối trong tâm hồn mà không bao giờ mình muốn người khác biết được? Cảm giác lo sợ, không an tâm luôn thường trực.
+ Mình có để ý và biết được những điểm nhạy cảm trong tâm hồn, bản tính của mình mà cứ hể (ai) chạm nhẹ đến đều có thể bùng vỡ thành tham, sân, si hoặc hơn thế nữa? Mỗi lần như thế cái cảm giác bất lực hiện về.
+ Có bao giờ mình hối hận? Và hối hận về đúng một lỗi lầm mình đã từng phạm và phạm nhiều lần? Cảm giác vô vọng lại tràn ngập.
+ Có bao giờ mình cảm thấy trống rỗng dù mới dự tiệc xong? Cảm giác lãng phí, không mục đích chớm lên.
+ Có bao giờ mình cứ chú ý, lo lắng cái xe mới mua sẽ bị ai đó (vô tình) quẹt xước? Hay đôi giày mới mua sẽ bị dơ? Cảm giác thấp thỏm cứ đeo bám.
+ Có bao giờ mình ghen tị với thành công của người khác? Cảm giác vô dụng, thấp kém đè nặng.
+ Có bao giờ mình cười vào sự thất bại của người khác? Cảm giác kiêu căng, tự đại, hơn người cứ lâng lâng.
Và còn rất nhiều những thứ khác nữa… Tất cả quy chung lại là những trở ngại cụ thể, thực tế trong con người mình, cản ngăn mình không tìm thấy sự bình an, hạnh phúc.
3. Xác lập con đường
Thử hỏi xem gốc cội là gì? Câu cửa miệng hầu như ai cũng học thuộc lòng: Nghiệp Tham, Nghiệp Sân, và Nghiệp Si. Dễ mà! Chụp cái dây Tham mà cắt cái cụp. Bắt cái thằng Sân đang bừng bừng kia mà xối nước vào. Và bật đèn, mở toang cửa sổ cho ánh sáng chiếu vào thằng Si. He he, mấy cái này thì chỉ có dân săn bắt cướp (ý là thứ dữ) thì mới làm nổi thôi. Dân đen như mình thì phần lớn: Ừ, chịu. Nghiệp thì còn làm gì được nữa. Chịu thôi. Khỏi sửa, vì sửa cũng không được. Thay vì vậy, cứ hưởng cuộc sống này đi, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chuyện tương lai để tương lai tính. Rồi cầu nguyện mong cho kiếp sau được đầu thai lại cho đàng hoàng rồi …sẽ tu. Nội cái suy nghĩ thế đã có vấn đề rồi! Kiếp sau cũng thế, và thế…thôi.
Tích cực hơn thì nên theo lối này: Nếu cái gốc to quá, bự quá, chắc quá mình không bứng, chặt được bây giờ thì mình bấm, cắt mấy cái cành nhỏ nhỏ của nó, rồi từ từ tiến vào trong theo thời gian. Như con ong chăm chỉ, như con kiến tha lâu đầy tổ vậy. Khi đã xác định đánh lẻ xong, câu hỏi tiếp theo là: Mấy cái thằng con cháu, bà con xa của tụi Tham, Sân, Si ở đâu nhỉ? Thì cứ nhìn cuộc sống của mình sẽ thấy ngay: thức ăn, đồ uống, quần áo mặc, lượng thông tin (tivi, web, facebook, twitter, snapchat, v.v.) nạp vào đầu, các mối ‘quan hệ’ xã hội mình cần duy trì đó. Tất cả những cái này, suy nghĩ cho kỹ sẽ thấy rằng chúng kết hợp với nhau tạo nên một guồng quay cuộc sống của mình. Cứ thế nó xoay. Muốn tác động để chuyển hướng, thay đổi, hay phá vỡ cái guồng này không phải là điều dễ dàng. Nhưng không phải không làm được.
4. Chiến lược là gì đây?
(1) Chuẩn bị tâm lý.
Xác định rất rõ ràng những điều sau đây:
+ Việc thay đổi để nâng tầm chất lượng cuộc sống của mình sẽ là một quá trình chậm (mà chắc và theo trình tự) và lâu dài.
+ Gian nan, khó nhọc, trở ngại ở khắp mọi nơi. Bên trong mình (do bản tính, thói quen) và bên ngoài (gia đình, bạn bè, người thân). Ở bên trên (mưa gió, bão táp) cũng như bên dưới (lũ lụt, động đất).
+ Không có chuyện hấp tấp, vội vàng. Không có gì có thể thay đổi qua một đêm. Không tìm kiếm những ‘thuốc tiên’ chữa lành (tâm) bệnh liền được.
+ Kiên nhẫn và bền chí là tối quan trọng.
+ Loại bỏ khỏi vốn từ vựng của mình những từ như ‘từ bỏ’, ‘chịu thua’, ‘đầu hàng’, v.v.
+ Thất bại nên được bình tĩnh nhìn nhận, rút tỉa ra bài học, và tìm cách sửa sai với một quyết tâm mạnh mẽ hơn.
(2) Ngoại kích: ‘Cháo nóng húp quanh’
Sau khi xác định tâm lý là ‘kháng chiến trường kỳ’ thì bắt đầu tính xem thằng nào cần đánh trước. Chọn những thằng yếu, nhỏ con mà dập trước. Cũng nên kiểm tra xem cái thằng nhỏ con đó nó có được thằng nào lớn, khỏe bảo kê không. Vì nếu có bảo kê thì chuyện dập thằng nhỏ cũng chẳng ăn thua gì. Nhìn chung, có 2 các đánh lẻ: (i) chặn ở gốc (cái nhân) hoặc các yếu tố gây kích thích (stimuli); và/hoặc (ii) chuẩn bị cách nhận quả hoặc cách phản ứng với sự kích thích đó (response).
Cụ thể, trong những thứ mình ăn uống hàng ngày, có thứ nào không cần thiết và dễ bỏ nhất không. Nếu bỏ thì bỏ thế nào. Chẳng hạn, trước đây Ba ăn nhiều, hay ăn ráng và lai rai sau bữa. Ăn nhiều thì ị nhiều, chứng tỏ cơ thể chỉ cần một lượng chất nào đó thôi. Khi nạp vào nhiều thì nó thừa, phải mất sức để loại bỏ mấy thứ thừa thải đó ra. Quan sát kỹ hơn thì thấy rằng, khi ngồi vào bàn ăn Ba nhào vô ăn cơm, thịt trước rồi mới ăn canh rau củ sau. Đây là thói quen và cũng vì đói. Cho nên, cách phản ứng với cơn đói này dẫn đến việc ăn 5-6 (hoặc hơn) chén cơm mỗi bữa. Lần nào đứng lên cũng căng phồng bụng. Ba quyết định thay đổi cách tiếp cận bữa ăn: ăn rau, canh trước để cái bao tử không còn đói nữa, sau đó ăn tí thịt và một chén cơm. Xong ăn trái cây rồi đứng lên đi đánh răng liền để làm sạch các mùi vị thức ăn. Khi mình chưa đánh răng thì mình biết còn ăn được nữa. Khi đánh răng xong thì cũng cản trở tí vì ngại đi đánh răng nữa. Ngoài ra, sau khi ăn và đánh răng xong thì không có quay lại khu vực bếp vì các mùi thức ăn, thấy bánh kẹo cũng tạo cơn thèm. Vào bàn làm việc giúp quên ăn dễ hơn. Mấy cái này là để loại bỏ kích thích thèm ăn nữa.
Chuyện uống cũng vậy thôi. Uống bia, rượu thì bỏ được hay giảm thiểu được liền ở chỗ nào thì làm chỗ đó. Chuyện quần áo có lẽ dễ dàng hơn cả vì bản chất Ba cũng không phải là dân thích mặc đẹp. Nhiều năm rồi cũng không mua sắm gì mới. Họa hoằn thì mua một vài cái áo cũ (secondhand) vậy thôi. Mặc vậy cũng chẳng chết thằng nào. Miễn là mình không dơ bẩn, hôi hám thôi, chứ áo quần có cũ tí thì vẫn được.
Thói quen xem tin tức, tivi, phim, các chương trình hài, v.v. có lẽ là khó (nếu không nói là rất khó) bỏ. Giờ nào cũng có chương trình vui để xem, ở đâu cũng xem được. Rồi với cái laptop trên tay thì việc thu nạp thông tin càng dễ dàng, kín đáo (xem phim người lớn). Nhưng những cách tiếp nhập thông tin thụ động này gây trở ngại khá lớn đến quyết tâm thay đổi và hướng thượng của bản thân. Cũng như chuyện ăn uống, mình phải nghĩ thật kỹ xem cái nào dễ bỏ thì bỏ trước, rồi giảm từ từ cái khó hơn, cứ thế. Đối với đàn ông, con trai chưa vợ, chớ có nói bỏ cái cụp chuyện ‘tự xử’ liền được. Làm vậy chỉ tạo một áp lực quá lớn lên tâm lý và sinh lý hiện tại của mình, làm cho nó mất thăng bằng nhanh quá. Như thế thì không bỏ được mà chỉ mang đến hối hận (sau mỗi lần làm vậy) và càng tự ti. Sống lành mạnh lên, giảm dần từng tí một mấy cái chuyện đó. Có xuống được bằng 0 hay không thì không biết vì mình có vợ và vẫn sinh hoạt chuyện vợ chồng. Suy cho cùng, đó là nhu cầu sinh lý bình thường của con người. Chỉ là không quá đà, lạm dụng, hoặc chơi ngoài luồn.
Đối với các mối quan hệ, giao lưu trong gia đình và ngoài xã hội cũng theo một quy tắc: từ dễ tới khó, chặn cái kích thích hoặc/và chọn cách phản ứng. Ngoài ra, trong quá trình chỉnh sửa mình cũng nên tạo ra những thói quen tốt, hoặc phát huy những mặt tích cực sẵn có của bản thân. Mình cũng nên tìm đồng minh: những người hiểu mình và hổ trợ mình trong việc hướng thượng. ‘Cháo nóng húp quanh’ nên không có chuyện húp cái cụp, phỏng chết. Hãy cố gắng hiểu bản thân và hợp tác với nó.
(3) Nội công: Tập thở và thiền
Không ai có thể tập thiền được khi mà guồng sống của mình nó lộn xộn ngày đêm. Những nỗ lực hướng thượng như phần (2) ở trên giúp mình chuẩn bị tốt cho buổi tập thiền: hướng thượng từ bên trong. Khi nội công ngoại kích phối hợp nhịp nhàng thì mới hy vọng tác động được đến cái guồng quay đó, lái nó hướng đến một nơi tốt đẹp hơn. Việc tập thiền và kỹ thuật tập đã được nói nhiều và rõ ràng rồi, Ba không nhắc lại trong bài này. Ba chỉ muốn đề cập đến một thứ hay bị bỏ quên: tập thở. Hơi thở bụng (Belly/Baby Breath) có tác dụng rất rất tốt trong việc kìm hãm và hóa giải sân hận. Chỉ có ai đã tập và biến hơi thở bụng thành hơi thở bình thường của mình hàng ngày, mọi lúc mọi nơi thì mới thấy được cái hay của nó. Hơi thởi bụng đã được Thầy Tibu nói đến: hít vào bằng mũi (dương, yang) chứa hơi thở trong bụng (âm, yin) và thở ra chiều ngược lại. Cách thở này vừa phù hợp với quy luật âm dương lại vừa giúp cho hơi thở dồi dào, rất tốt cho sức khỏe. Kinh nghiệm thực tế bản thân cho thấy, hơi thở này làm thư giản các cơ, bắp thịt có tác dụng hiệu quả trong việc giảm căng thẳng, giận hờn .
Tóm lại, sống thiện, sống hiền, sống đúng, sống đơn giản và tu tập tốt là cả một quá trình gian nan, vất vả, té lên té xuống, và trải qua nhiều cung bậc về cảm xúc, tâm lý. Muốn đạt được một gì đó trên bước đường hướng thượng thì đòi hỏi nổ lực rất nhiều: kiên nhẫn và bền chí. Bên cạnh đó, mình cũng phải có một kế hoạch (dù ít hay nhiều) tìm hiểu vấn đề mình cần giải quyết, và suy nghĩ về cách giải quyết, trình tự giải quyết thế nào cho phù hợp với bản thân và điều kiện cụ thể. Lập kết hoạch, thực hiện, điều chỉnh nó, thực hiện, hoàn chỉnh, v.v. Không có cái này thì hùng hục tập thiền không cũng (có thể) chẳng giúp được gì. Thiền thì cũng chỉ có trên dưới 1g/ngày trong khi cuộc sống cứ thế trôi chảy suốt thời gian còn lại. Bản thân Ba đây cũng có chút may mắn nhưng những gì vẫn cần phải làm, phải chiến đấu thì chẳng thể kể hết.
Hết chuyện rồi con.


Nội Công: Phương trình Nhập định (1/9)
Trích dẫn và trả lờiTrích dẫn
Trong lúc chuẩn bị slides cho bài nói chuyện về chủ đề ‘Sự Chú Ý, Thiền Định, và Thị trường Tài chánh’ , Ba có nghĩ ra được nhiều điều hay khi chiêm nghiệm về chuyện tập của mình. Ba muốn ghi lại đây để lưu giữ. Ba chủ yếu tập trung vào sự chú ý và việc nhập định, còn chuyện tài chánh tài tà [1] thì không cần thiết ở đây.

I. Định nghĩa về Sự Chú Ý (Attention)
"Attention is the taking possession by the mind, in clear and vivid form, of one out of what may seem several simultaneously possible objects or trains of thought. …It implies withdrawal from some things in order to deal effectively with others.”
Câu trên là định nghĩa về sự chú ý bởi William James [2], một triết gia, nhà tâm lý học người Mỹ, đưa ra trong cuốn ‘Định luật Tâm lý’ năm 1980. Dựa theo định nghĩa trên, mình có thể hiểu rằng sự chú ý là nguồn năng lượng có giới hạn. Và vì vậy, mình nên sử dụng nguồn năng lượng này một cách thông minh nhất có thể. Không nên lãng phí nó. Nếu suy cho sát với nội dung trên một tí, mình thấy rằng sự chú ý có một số đặc tính sau đây:
(1)   Số lượng. Đây là số lượng đối tượng mà sự chú ý hướng vào. Càng nhiều đối tượng để chú ý một lúc thì sự chú ý càng phân tán (divided), nên chất lượng tập trung sẽ giảm.
(2)   Chất lượng. Sự chú ý càng cao thì độ tập trung càng mạnh dẫn đến đối tượng được chú ý sẽ trở nên rõ ràng hơn, trong sáng hơn.
(3)   Hiệu quả. Khi sự chú ý càng tốt thì sẽ hiệu quả gặt hái được từ nó càng cao. Tuy nhiên, hiệu quả này đôi khi là tự phát hoặc sinh ra từ toan tính ban đầu.
Các nhà tâm lý học chia sự chú ý thành nhiều loại: chú ý có lựa chọn (selective), tập trung (focused), phân tán (divided), thụ động (passive, involuntary), chủ động (active, voluntary), trực diện (overt), gián tiếp (covert), v.v. Trong bài này Ba chỉ tập trung vào loại chú ý có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tập thiền của mình: sự chú ý chủ động và có mục đích rõ ràng [3].
Nếu quy ước rằng sự chú ý có cấp độ từ 0 (chả chú ý gì, hoặc nằm ngoài sự chú ý của nhận thức) đến 100%, thì khi nào mình có thể nói mình đang tập trung chú ý ở cấp độ nào?  Chẳng hạn, khi mình chăm chăm nhìn vào một chai nước ngọt (không có bất kỳ suy nghĩ nào khác) thì mình gọi đó là chú ý 100%? Đúng mà cũng không đúng. Đúng vì cái mình nhìn là tổng thể chai nước ngọt. Trong điều kiện này thì cái chai nước ngọt là đối tượng (object). Nhưng cũng nên biết rằng chai nước ngọt có nhiều yếu tố (attribute) khác nữa: màu nước ngọt, vỏ chai, hoa văn trên vỏ, chữ, nắp chai, v.v. Thế thì trong điều kiện này thì sự chú ý của mình bị phân tán cho nhiều đối tượng cùng một lúc. Biết được vậy, mình lại hướng cái chú ý vào một yếu tố trên chai, vd. cái nắp chai. 100% chưa? Vẫn chưa vì cái nắp có cái màu, cái chữ, và hình dáng của nó. Nếu tiếp tục xoáy nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa thì sự chú ý sẽ đi tới đâu? Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, Ba thấy rằng nó sẽ như mũi tên hướng vào một điểm nhỏ và giữ cái tâm đứng yên đó. Ba vẫn chưa biết nó sẽ dẫn tới đâu và đâu là điểm tới hạn (bùng nổ). Cho nên, khi nói về cường độ của sự chú ý thì cũng nên biết được đối tượng tham chiếu là gì.
Hết phần 1 (còn tiếp)
Ghi chú:
[1] Tài chánh Hành vi (Behavioural Finance) trong mấy năm gần đây thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong lãnh vực kinh tế tài chánh. Có nhiều bài nghiên cứu về việc nhà đầu tư (investor) phản ứng thế nào khi gặp một kích thích, sự việc (event) nào đó. Các nghiên cứu suy luận một cách gián tiếp rằng những kích thích này sẽ ảnh hưởng đến sự chú ý của investors và làm thay đổi quyết định tài chánh của họ. Chẳng hạn, khi thay đổi màu hiển thị giá chứng khoán thì ảnh hưởng đến quyết định mua và bán cổ phiếu như thế nào (xem Frydman and Wang, (JF, 2019) - The impact of salience on investor behavior: Evidence from a natural experiment).
[2]https://en.wikipedia.org/wiki/William_James; https://en.wikipedia.org/wiki/The_Principles_of_Psychology
[3] Xem Fingelkurts and Fingelkurts (ONJ, 2008) - Brain-mind operational architectonics imaging_Technical and methodological aspects; và Fingelkurts et al (PLR, 2010) - Natural world physical, brain operational, and mind phenomenal space–time để biết cách thức các neuron kết hợp với nhau thế nào trong bộ não để tạo ra hình ảnh trong tưởng tượng.
[4] Xem Bakker and Niemantsverdriet (IJD,2019) - The interaction-attention continuum_Considering various levels of human attention in interaction design. Hình 1 có vẽ biểu đồ của sự chú ý.
(Nội Công: Phương trình Nhập định (2))

II. Tác dụng của Sự Chú Ý
Sự chú ý là một cơ chế (mechanism) để thu thập và xử lý thông tin trước khi đưa ra một hành động phản ứng. Nếu áp dụng cơ chế này vào việc xác định thế giới quan của mình thì có thể diễn đạt nó theo một mô hình [1] dưới đây:

One’s view = A*Truth + (1 – A)*worldview

Trong đó:
+ One’s view là quan điểm, nhận định của mình về một sự việc nào đó.
+ Truth (chữ T hoa) thể hiện cái Chân Lý của sự việc đang xem xét. Trong trường hợp này, Chân Lý này là Chánh Kiến [2], hoặc thấp hơn tí là giá trị đúng đắn nhất về sự việc.
+ worldview (hoặc crowd view) là thái độ, quan điểm, niềm tin, hay triết lý của xã hội (đám đông, nhóm) về sự việc đó. Nó cũng bao gồm những quan điểm cá nhân đã có từ trước, hoặc chịu ảnh hưởng bởi thói quen, nghiệp quả của mình.
+ A là sự chú ý, dao động từ 0 đến 100%.
Đứng trước một sự việc gì đó mà mình cần đưa ra qua điểm của mình. Mình có thể dựa vào worldview để làm chuyện đó hoặc hướng sự chú ý vào việc tìm tòi cái bản chất thật của sự việc trước khi đưa ra quyết định phản ứng. Như vậy thì nó sẽ ‘đúng’ hơn. Đây là sự chú ý chủ động với mục đích tìm hiểu sự thật. Nếu như đây là thái độ sống thiện, hướng thượng của mình thì phương trình trên sẽ thay đổi một chút:

One’s wisdom = A*Wisdom + (1 – A)*crowd_wisdom

Trí tuệ, sự sáng suốt của mình tùy thuộc vào việc mình đặt sự chú ý vào đâu: đám đông hay Huệ (trong Giới – Định – Huệ).
Ngược lại, nếu mình mang một thái độ sống tiêu cực, sự chú ý có mục đích bất thiện thì phương trình lại thay đổi thành:

One’s delusion = A*Falsification + (1 – A)*crowd_delusion

Nếu chỉ sống ảo tưởng, lè phè thì những giá trị ảo đó tùy thuộc vào đám đông xung quanh mình. Tệ hơn nữa là khi trong cái ảo tưởng có mang mục đích bất thiện thì sự sai lầm có thể còn vượt qua cả cái giá trị tệ hại của đám đông. Lừa dối, giả mạo, xuyên tạc, bóp méo sự thật, v.v. Thái độ sống này không thể mang đến an bình trong tâm hồn chứ đừng nói đến chuyện giải thoát được.
Tại sao lại có sự thay đổi trong các biến của phương trình? [3] Vì sự thay đổi phù hợp với Định luật Tương Ưng trong việc tu thiền. Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã mà!  Tâm mình thế nào thì mình lôi kéo cảnh giới đó đến. Cảnh giới ở đây có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ý là nếu tâm thiện, lành thì thường sẽ gặp và chơi với người hiền và biết đâu cũng được những chư thiên theo dõi hộ trì 😊. Còn tâm bất thiện thì lại sống ở nơi nhiều người xấu, giao lưu với những người dữ, lưu manh và biết đâu ma quỷ cũng thích mà theo hộ trì ☹.

Hết phần 2 (còn tiếp)
Ghi chú:
[1] Mô hình này là một dạng tĩnh (static) ở tại thời điểm t nào đó thôi. Dù vậy, Ba cũng sẽ diễn giải nó theo một dạng động (dynamic). Hơn nữa, nếu con hỏi tại sao là ‘+’ (cộng) mà không phải là ‘x’ (nhân), hay dạng số mũ (Truth)A(worldview)1-A thì chịu. Để cho các nhà toán học tâm lý làm công việc này! Thực ra họ làm nhiều lắm rồi đó chứ nhưng có giải quyết được vấn đề mấu chốt của con người đâu 😊.

[2] Nhớ lại trong Bát Chánh Đạo (Noble Eightfold Path): Chánh Kiến (Right View), Chánh Tư Duy (Right Perception), Chánh Ngữ (Right Speech), Chánh Nghiệp (Right Action), Chánh Mạng (Right Livelihood), Chánh Tinh Tấn (Right Effort), Chánh Niệm (Right Mindfulness), và Chánh Định (Right Concentration). Bốn Chân Đế (Four Noble Truths): Khổ Đế (Truth of Suffering), Tập Đế (Truth of the Origin of Suffering), Diệt Đế (Truth of the Cessation of Suffering), và Đạo Đế (Truth of the Path Leading to Cessation of Suffering).

[3] Có thể linh động thay đổi phương trình tùy trường hợp.
One’s wellbeing = A*Wellbeing + (1 – A)*crowd_wellbeing. Wellbeing (chữ W hoa) có nghĩa Không Tham, Không Sân, và Không Si.
One’s tranquillity = A*Santi + (1 – A)*crowd_tranquillity. Santi là yếu tố Tịch Tịnh. Tranquillity chỉ độ thanh tịnh của cái tâm (thấp có nghĩa là tâm còn ồn ào, cao tức là tâm an hơn rồi).
One’s bias = A*Impartiality + (1 – A)*crowd_biases. Impartiality là sự công tâm, vô tư. Cao hơn nữa có thể dùng Equanimity, tâm Xả, https://en.wikipedia.org/wiki/Equanimity. Bias là sự thiên vị.
(Nội Công: Phương trình Nhập định (3))

III. Cơ chế nhập định
Trong các bài thu hoạch trước, Ba đã trình bày rõ ràng và chi tiết về kỹ thuật để nhập định, i.e. đưa mình vào trạng thái lạc và nhất tâm. Lần này, Ba nghĩ ra được một cách cụ thể hóa mối liên hệ giữa các yếu tố với nhau để đưa đến nhập định. Phương trình nhập định là cái Ba sẽ trình bày trong phần này dùng kèm theo một số thông tin trích dẫn từ những bài viết trước.
Với Ba, mục đích cuối cùng của việc tập thiền là giải thoát. Để làm được việc này thì cần phải kết hợp cả nội công (thiền định) và ngoại kích (giữ giới và điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với việc hướng thượng). Về phần nội công, mình có thể nương theo quy tắc dùng sự chú ý làm tâm điểm để biểu diễn sự định tâm tạm theo phương trình sau:

Focus = A*Object + (1 – A)*Mind_Monkeys

Trong đó:
+ Focus là sự định tâm, sự tập trung, là chất lượng của sự chú ý [1].
+ Mind_Monkeys là cái tâm lăn xăn, tâm con khỉ phá bỉnh mình lúc cố gắng nhập định. Nhiều khỉ hay ít khỉ. Lăn xăn chỗ này chỗ kia hay chỉ lăn lăn ở một chỗ. Chưa kể đến cái cường độ của sự lăn xăn. Nếu như số lượng tâm khỉ nhiều và cường độ dao động mạnh thì việc tập trung hướng sự chú ý vào đề mục rất là khó.
+ Object là đề mục mà mình dùng nó để làm phương tiện để nhập định. So với tâm con khỉ thì cái đề mục (mặt trăng, hòn bi, ngọn lửa, chấm đỏ, v.v.) trông có vẻ rất đơn điệu. Chính sự đơn điệu này làm nản lòng sự chú ý vì không có gì …vui. Và như vậy sự định tâm dành phần lớn thời gian qua chơi với tâm con khỉ để rồi biến thành sự loạn tâm. Nhập định đâu không thấy, chỉ thấy …suy nghĩ chuyện đời.
Vậy thì làm cách nào để tự giúp mình đây? Có lẽ phải tìm hiểu rõ hơn về bản chất của tâm con khỉ, đề mục, sự chú ý, và cả mối tương tác giữa chúng.

Hết phần 3 (còn tiếp)
Ghi chú:
[1] https://www.differencebetween.com/difference-between-attention-and-vs-concentration/. Mình có thể chú ý vào một hay nhiều đối tượng nhưng không có sự tập trung. Nhưng mình không thể tập trung nếu không có sự chú ý. Xem Castle and Buckler (2009) - Attention and concentration.
(Nội Công: Phương trình Nhập định (4))

A. Tâm con khỉ (Mind monkeys)
Như đã nói ở trên số lượng và hoạt động của mấy con khỉ tâm là trở ngại lớn trong việc tìm kiếm sự định tâm. Việc giữ giới và điều chỉnh đời sống sinh hoạt cho lành hơn, hiền hơn, đơn giản hơn, ít bon chen hơn, ít tham dục hơn sẽ làm giảm đáng kể sự xuất hiện của chúng. Tất nhiên để làm được điều này thì cần rất nhiều thời gian, nỗ lực bản thân và gia đình, và phải có kế hoạch cụ thể. Trước mắt là mỗi khi chuẩn bị tập thì cũng nên giảm sự tương tác, bớt thu nạp thông tin loãng, tránh tin tức giựt gân, và tìm một chỗ tập cho êm ấm và ít tiếng ồn.

Dù làm gì thì khi bắt đầu tập cũng sẽ có mấy con khỉ tâm. Mình sẽ phải giải quyết mấy con khỉ này chứ không thể cố ngó lơ tụi nói được. Càng ngó lơ sẽ càng bị chúng quấy phá. Thôi thì đi tìm nhà của mấy tâm con khỉ này và phá sạch để tụi nó hết chỗ ở, chạy biến hết là xong. Trong sơ đồ phân loại ý thức của Sigmund Freud bên cạnh [1] thì phần nổi của tảng băng ý thức, Ý Thức, là cái phần mà các con khỉ vọng tâm nó chạy nhảy lung tung. Phần nổi ý thức này bao gồm những suy nghĩ, nhận thức, thấy biết các sự việc, hiện tượng xảy ra trong mình và xung quanh mình một cách rõ ràng, trực tiếp. Phần bên dưới (sát mặt nước) của ý thức là Tiềm Thức. Nơi đây lưu trữ những ghi nhớ, kiến thức học được, tích lũy được. Mặc dù, tiềm thức không được nhận biết trực tiếp trừ phi mình chủ động khơi dậy nó, nó vẫn có ảnh hưởng đến hành vi tâm lý của mình một cách gián tiếp. Sâu hơn tiềm thức là Vô Thức và Tự Ngã. Nơi đây có lẽ là bộ máy chính yếu chi phối tâm lý và hành vi của mình. Khu vực này chứa đựng các bản năng gốc, bản năng sinh tồn của mình: bản năng về tình dục, bạo lực, các nỗi sợ hãi, sự tự ti, mặc cảm, các ước vọng xấu xa và điên rồ nhất có thể. Đây có lẽ chính là nghiệp lực mà ta không thấy được nhưng nó chi phối toàn bộ cuộc đời mình.
Khi hiểu hơn về cấu trúc của tâm lý thì thấy rằng triệt tiêu hoàn toàn mấy con khỉ tâm là không phải dễ dàng vì tụi nó không phải chỉ sinh ra từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình mà chúng còn là sản phẩm tiềm ẩn của nghiệp lực đã tích lũy qua bao kiếp sống rồi. Chỉ cần có dịp là chúng lại nhảy ra, không cần báo trước. Dù sao cũng ráng loại bỏ chúng càng nhiều càng tốt. Nhưng loại bỏ thế nào?

Hết phần 4 (còn tiếp)
Ghi chú:
[1] https://www.simplypsychology.org/Sigmund-Freud.html. Wilhelm Wundt (German), William James (American), và Sigmund Freud (Austrian) được xem như những cha đẻ của ngành Tâm lý học hiện đại. https://en.wikipedia.org/wiki/Sigmund_Freud; https://www.maxreading.com/sach-hay/danh-nhan-triet-hoc/sigmund-freud-nguoi-khai-pha-nhung-mien-sau-cua-cam-xuc-con-nguoi-33672.html
(Nội Công: Phương trình Nhập định (5))

B. Đề mục (Meditating object)
Trước tiên cần nhấn mạnh rằng đề mục chỉ là phương tiện để ta nhập định. Trong Đức Phật và Phật Pháp (ĐPvPP) và trong Vi Diệu Pháp (VDP), Đức Phật Shakyamuni có đưa ra bao nhiêu là đề mục để quán tưởng, suy niệm tùy theo tâm tánh của người tập thiền. Đề mục trước đây của Ba là mặt trăng vì nó mang năng lượng trung tính phù hợp để hóa giải cái tính nóng nảy của Ba. Khi cố quán cái mặt trăng thì sự chú ý kém và không duy trì được. Có lẽ cái thiếu sót (hoặc do Ba kém cỏi) của đề mục mặt trăng (và các đề mục tĩnh khác) là nó tĩnh quá hoặc không mang những đặc tính nào đó để có thể thu hút và nắm giữ sự chú ý để đưa đến sự định tâm. Khi quán một đề mục tĩnh như thế, chẳng mấy chốc cái tâm chán nản, lơ là xuất hiện còn cái sự chú ý thì chạy đi chơi với mấy thằng tâm lăn xăn rồi. Thành ra, nằm tập cả buổi cũng cứ cà giựt cà đụi vậy thôi. Mà không định tâm thì không thể nhập định được và hệ quả là việc nội công sửa đổi cái tâm cũng không có hiệu quả là mấy.
Cho nên cách giải quyết là thay đổi đề mục, tìm kiếm một loại đề mục nào đó có thể cạnh tranh được với tâm lăn xăn để giành được sự chú ý. Cũng giống như khi mình muốn đi vào Sài Gòn chơi thì mình có thể lựa chọn đi bằng xe hơi, xe buýt, tàu thủy, hoặc máy bay. Kiểu gì cũng được miễn là đưa được mình đến Sài Gòn an toàn. Trừ phi mình không có lựa chọn khác hoặc đề mục mang một tính chất thiên liêng gì đó mà mình không muốn đổi. Tất nhiên, không có nghĩa là mình muốn đổi sang đề mục gì cũng được. Ví dụ chọn hình cô gái sexy để thu hút được sự chú ý 😉. Đừng có mà dại vì cái đó dẫn đến tham dục, mà tham dục là thuộc Dục giới thì lấy đâu hướng thượng!? Chỉ cần chọn một đề mục trung tính và mang những đặc tính mà sự chú ý ưu ái. Nhưng cái gì cuốn hút sự chú ý?

Hết phần 5 (còn tiếp)
(Nội Công: Phương trình Nhập định (6))
C. Các yếu tố thu hút sự chú ý 
(Determinants of attention)
Có vẻ như việc loại bỏ tâm con khỉ và thu hút sự chú ý vào đề mục đều có cùng một cách giải quyết. Đúng vậy, cách này nằm trong chính sự chú ý, người bạn đồng nghiệp (Working Memory, WM), và các yếu tố tác động lên nó.
1. Phân loại chú ý [1]
Như đã trình bày ở phần trước, sự chú ý có một số đặc tính: số lượng, chất lượng, và hiệu quả phát sinh.
+ Nếu dựa trên số lượng đối tượng quan sát thì có thể chia sự chú ý thành 2 dạng: thụ động (passive) và chủ động (active). Khi sự chú ý càng cao thì bắt buộc nó phải giảm đi số đối tượng cần quan sát vì nếu không, người bạn WM sẽ bị quá tải vì phải xử lý quá nhiều thông tin. Đây là sự chú ý mang tính chủ động mà mình nhắm vào khi tập định. Khi sự chú ý thụ động, lè phè thì các thông tin (âm thanh, hình ảnh) có thể đến, đi khỏi WM mà không làm nó quá tải vì các thông tin này không cần phải được xử lý rốt ráo. Chúng chỉ như khách du lịch vậy thôi.
+ Nếu dựa trên chất lượng thì sự chú ý có thể chia làm 2 loại: trực diện (overt) và không trực diện (covert). Khi chú ý đến một đối tượng thì có 2 thứ xảy ra: mắt nhìn hướng vào đối tượng và sự suy xét đối tượng. Nếu như cả nhìn và suy xét chặp lại làm một và diễn ra trên đối tượng thì đây là sự chú ý trực diện với chất lượng tốt nhất. Khi bắt đầu có sự lệch pha, mắt nhìn vào đối tượng nhưng lại suy nghĩ, xét đoán cái gì khác ngoài đối tượng (vd. ngồi học nhìn cô giáo mà tơ tưởng bạn nữ nào đó) thì đây là sự chú ý không trực diện với chất lượng kém.
+ Hệ quả phát sinh của sự chú ý có lẽ tùy vào việc có xác định hay không xác định mục tiêu cụ thể của việc tập.  Tập để nhập định, để thấy cảnh giới, để giải thoát, v.v. Tất nhiên, Định luật Tương Ưng sẽ có tiếng nói quyết định.
2. Yếu tố tác động
Như vậy sự chú ý chủ động, trực diện, và có mục tiêu rõ ràng là loại mình cần dùng trong thiền định. Và loại này chịu sự tác động (hay được kích hoạt một cách) mạnh mẽ bởi những yếu tố sau đây:
+ Độ khó, phức tạp của đối tượng, vấn đề đang cần suy nghĩ, hoặc bài toán đang làm.
+ Mục tiêu cần đạt được. Ví dụ, mình cần làm phép tính này cho xong để chuyển qua phép tính khác, hoặc mình đặt mục tiêu phải làm xong bài toán trong vòng 2 phút (áp lực thời gian).
+ Sự yêu thích, quan tâm đến đề mục. Chẳng hạn, mình thích thử thách, giải các bài toán khó và mình muốn xem cái bài toán sẽ đi đến đâu.[2] Lưu ý là thích làm toán dễ thì cũng là thích nhưng chẳng làm WM quá tải được.
+ Lợi ích. Việc gì đó có mang lại lợi lộc cho mình thì cũng gây sự chú ý. [3] Tất nhiên, trong tập thiền thì mình không đề cập đến tiền bạc được. Nghĩ về lợi lạc ở đây là được nhập định, hưởng cái trạng thái nhẹ nhàng, tĩnh lặng (để sau này còn đạt được sự thanh tịnh cao hơn thế nữa: yếu tố Santi).
+ Ý chí, quyết tâm, nỗ lực, và sự kiên trì cũng là những yếu tố rất quan trọng để gom tâm, hướng sự chú ý vào đối tượng. Khi sự chú ý càng mạnh thì độ tập trung càng cao, càng vững. Lúc đó, mình sẽ dễ dàng bỏ qua các kích thích gây phân tâm (bên trong và bên ngoài). [4]

3. Trí nhớ Làm Việc (WM)
WM và sự chú ý là 2 thành phần chủ chốt trong hoạt động tâm lý và nhận thức của mình. Kiểu dạng như cánh tay phải và tay trái vậy. Nếu như phần nổi của tảng băng ý thức (i.e. Trí nhớ Ngắn hạn) là nơi lui tới yêu thích của các tâm con khỉ thì WM và sự chú ý là quản gia của nơi đó vậy. Trong khi WM phụ trách việc xử lý và lưu trữ thông tin (ngắn hạn), sự chú ý chọn lọc thông tin để tiếp nhận, và duy trì tính liên tục trong quá trình WM xử lý thông tin. WM có một giới hạn nhất định, gọi là tải ,[5] và giới hạn này tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Đáng chú ý rằng, các yếu tố chi phối tải của WM lại có nhiều tương đồng với các yếu tố thu hút sự chú ý.
Lý thuyết Tải Nhận Thức (Cognitive Load Theory) và Lý thuyết Can thiệp (Interference Theory) [6] đề cập tới nhiều yếu tố chi phối tải của WM và khả năng nhớ lại. Có một số yếu tố chính như sau:
+ Độ khó và phức tạp của đối tượng cần xử lý bao gồm số lượng thông tin, sự phối hợp giữa chúng, các bước cần thực hiện và loại công việc cần làm.
+ Áp lực thời gian để đạt làm xong một công việc, một bước tính toán nào đó.
+ Các yếu tố dư thừa cho công việc cần làm (vd. màu sắc của các số trong bài toán) nhưng lại buộc phải nhớ.
+ Tính quen thuộc của thông tin, công việc đang xử lý. Càng lạ thì càng khó nhớ.

Hết phần 6 (còn tiếp)
Ghi chú:
[1] Xem thêm về sự chú ý trong bài Scientific Meditation.
[2] Xem Navalpakkam, Kumar, Li, and Sivakumar, 2012. Attention and selection in online choice tasks. Springer-Verlag Berlin Hedkelberg.
[3] Xem Anderson, Laurent, and Yantis, 2011. Value-driven attentional capture. PNAS 108(25), 10368–10371.
[4] Xem Sorqvist, Dahlstrom, Karlsson, and Ronnberg, 2016. Concentration: The neural underpinnings of how cognitive load shields against distraction. Frontiers in Human Neuroscience 10, 1–10. Sorqvist, Marsh, 2015. How concentration shields against distraction. Current Directions in Psychological Science 24(4), 267–272.
[5] Xem bài Nhập Định_Tâm Lượng Tử để biết một số mô hình tính toán tải hay tốc độ thoái hóa của WM.
[6] Xem phần Lý thuyết Tải Nhận Thức trong Scientific Meditation và phần Lý thuyết Can Thiệp trong Nhập Định_Tâm Lượng Tử để hiểu rõ hơn.
(Nội Công: Phương trình Nhập định (7))

D. Phương trình nhập định
Tóm tắt lại các nội dung trong phần C như sau:
+ WM là nhà của tâm lăn xăn và nó có một giới hạn về không gian (tải) nào đó.
+ Sự chú ý chủ động và WM khi xử lý thông tin từ đề mục sẽ tạo ra tải, lấn chiếm dần không gian của tâm lăn xăn.
+ Cả sự chú ý và WM đều chịu ảnh hưởng, thu hút bởi một số yếu tố chung.
Vậy nếu như mình thay một đề mục tĩnh (vd. mặt trăng) bằng một đề mục động (vd. một dãy 7 con số), đồng thời áp đặt một số yêu cầu lên đề mục này (vd. bài toán cần tính) để tăng sự chú ý và áp lực lên WM, thì sự chú ý càng tăng và bị cột chặt vào đề mục (mà không được đi chơi với mấy con khỉ tâm [1]), tải của WM sẽ càng ngày càng nặng làm cho nhà, sân chơi của mấy khỉ con càng mất đi diện tích. Khi tải của WM đạt ngưỡng tối đa, WM không làm thêm bước xử lý thông tin nào được nữa. [2] Độ tập trung sẽ tốt và khoảng lặng xuất hiện. Lúc này, mình bỏ đề mục động và để cái tâm yên lặng như thế, càng lâu càng tốt. [3]
Vì thế, phương trình nhập định phù hợp hơn sẽ là:

Focus = A*Dynamic_Subject + (1 – A)*Mind_Monkeys

Trong đó Dynamic_Subject là một dạng đề mục động trung tính (vd. cộng các con số, chuyển đổi chữ ra số, ghép chữ và số, đổi màu các chữ, v.v.) và yêu cầu của đề mục này là mang những tính chất, yếu tố thu hút mạnh mẽ sự chú ý và có tác dụng làm tăng tải của WM.[4][5]  
Điều đặc biệt của phương trình nhập định này là nó hội đủ cả Tứ Đại trong đó. Như sau:
+ Đất (Pathavi). Nếu đất là nguyên tố của sự sống thì pathavi trong bài toán nhập định chính là các con số, con chữ. Chúng là đề mục, là nguyên tố của buổi tập nhập định. Pathavi có đặc tính giản nở, chiếm không gian thì các con số cũng có đặc tính đó khi mình sắp xếp, cộng trừ, hoặc khi vẽ chúng to hay nhỏ.
+ Nước (Apo). Nếu nước là nguyên lý của sự sống thì các bước tính, phép tính chính là tính chất nước hay nguyên lý của sự nhập định. Đặc tính của apo là sự liên kết và cái này cũng ẩn chứa trong bài toán vì bước tính trước liên quan đến bước tính sau, uyển chuyển tùy theo mình.
+ Lửa (Tejo). Lửa là yếu tố của sự sống. Tejo trong phương trình nhập định chính là sự chú ý. Nó thể hiện sự mạnh yếu, nặng nhẹ, căng giản của WM lên từng con số, bước tính của bài toán. Số này rõ hơn hay yếu hơn số kia tùy thuộc vào năng lượng của sự chú ý.
+ Gió (Vayo). Gió là biểu hiện của sự sống. Vayo trong phương trình nhập định là lạc và nhất tâm. Cả hai là biểu hiện của sự định tâm. Chúng thay đổi, chuyển động tùy vào chất lượng của sự định tâm. Khi mới bắt đầu tập, sự định tâm chưa có nên lạc và nhất tâm chưa xuất hiện. Khi độ tập trung cao lên dần thì cũng là lúc lạc và nhất tâm từ từ xuất hiện và mạnh mẽ lên.
Vậy đối với những tu sĩ đang tập theo một đề mục thiền hoặc niệm phật quán chấm đỏ thì sao? Mình không biết nên không nói được. Dù sao nếu muốn nhập định bằng cách hướng tâm vào đề mục tĩnh này thì đòi hỏi phải có một ý chí mạnh, niềm tin vững chắc, và yêu thích đề mục của mình. Nếu cứ kiên trì tập luyện hàng ngày (độ định tâm cũng sẽ tăng dần lên) và/hoặc chỉnh sử đời sống bên ngoài cho thật tốt (để giảm thiểu tâm con khỉ) thì hy vọng cũng có thể nhập định được. Tất nhiên, nghiệp lực, phước báu cũng đóng vai trò quan trọng nhưng mình đâu biết cụ thể nó là gì và nó không nằm trong tầm kiểm soát rõ ràng của mình. Ngoài ra, mình cũng có thể biến thể đề mục tĩnh một tí: chú ý vào các chi tiết của đề mục khi vẽ, hoặc vẽ câu niệm ra chỗ chấm đỏ, từng chữ một. Vì biến thể không nhiều nên có thể lại rơi vào tình trạng thích nghi dẫn đến chai lỳ, chán nản.

Hết phần 7 (còn tiếp)
Ghi chú:
[1] Câu hỏi: Nếu như mình chú ý vào các tâm lăn xăn để làm nặng tải WM và đưa đến nhập định được không? Trả lời: Không thể vì đã gọi là lăn xăn thì tụi nó nhảy chỗ này, chỗ khác với cường độ mạnh yếu tán loạn hết thì lấy gì tập trung chú ý! Cho dù có nhập định được bằng một cái lăn xăn nào đó thì Định luật Tương Ưng sẽ đưa mình về một cảnh giới (i.e. Dục giới) tương thích với sự lăn xăn đó thôi.
[2] Xem trang 8 trong Fingelkurts and Fingelkurts (2014) - Attentional state_From automatic detection to willful focused concentration: “…individually, each neuronal assembly presents only a partial aspect of the whole object/scene/thought/concept, while the wholeness of ‘perceived’ or ‘imagined’ is brought into existence by joint (synchronized) operations of many functional and transient neuronal assemblies in the brain… synchronization of neuronal assemblies (located in different brain areas) that participate in the same functional act as a group – operational module (OM), e.g. executing a particular complex operation responsible for a subjective self-presentation of complex objects, scenes, concepts or thoughts. Any single OM thus signifies the binding of multiple sensory percepts or motor programs in a context-dependent way as a function of a saliency, priori knowledge and expectancies. It somehow ‘freezes’, and ‘classifies’ the ever changing and multiform stream of our cognition and conscious experiences.”. Rabinovich et al (PLOS, 2007) - Neural dynamics of attentional cross-modality control - có phát triển một mô hình tính toán khả năng kiểm soát (chất lượng của) sự chú ý tùy theo số lượng các đối tượng và cường độ kích thích của chúng.
[3] Xem trong Scientific Meditation and Nhập Định_Tâm Lượng Tử diễn tiến của một số buổi tập cụ thể.
[4] Sự chú ý có thể được do lường bằng một số mô hình toán. Ví dụ, trong Vaswani et al (2017) - Attention is all you need, các biến trong các mô hình này: số thông tin (keys), yêu cầu cụ thể của từng thông tin (queries), và thông số của chúng (values). Những dữ liệu đầu vào này phù hợp với yêu cầu về đề mục động mà Ba đề cập tới. Xem thêm Luong et al (2015) - Effective approaches to attention-based neural machine translation; Bahdanau et al (2016) - Neural machine translation by jointly learning to align and translate; và https://lilianweng.github.io/lil-log/2018/06/24/attention-attention.html.
[5] Theo anh Alpha, phương pháp tập theo mandala của Mật Tông cũng giúp nhập định thành công vì mỗi mandala có quá nhiều chi tiết để nhớ làm quá thải WM. Nhưng mandala lại không phải là đề mục trung tính mà dựa vào thần linh nên có thể dẫn đến một hệ quả nào đó. Hơn nữa, sau một thời gian tập thì vẫn sẽ bị lỳ vì đã quen với mandala đó. Bài toán thì có vô số, các hình số, chữ cũng nhiều và có thể từ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nên chuyện quen hay thích nghi với bài toán là không có.
(Nội Công: Phương trình Nhập định (Cool)
E. Kiểm soát tư tưởng liên tục

One’s ethics = A*Ethics + (1 – A)*habits

Trong đó:
+ Ethics (chữ E hoa) là Giới Luật (GL, Sila) của tu sĩ như ăn ngay nói thật, có hiếu, sống hiền. Ngoài ra, còn có không sát sanh và không tham ái.
+ ethics (chữ thường) là việc giữ giới trong đời sống hàng ngày của mình.
+ habits là những thói quen xấu, bất thiện làm trở ngại đến con đường hướng thượng của mình.
KSTTLT chính là việc chống lại mình, chống lại những thói quen đã có từ tiền kiếp. Nên việc này rất rất là khó. Theo phương trình trên thì làm sao để thu hút sự chú ý vào các GL đây vì GL không giống như bài toán nhập định mà mình có thể thay đổi tùy bữa được. Nếu có một kích thích (stimulus) nào đó xảy ra thì phản ứng (response) tức thời sẽ là theo thói quen vì đó là bản năng. Tự động nó sẽ nhảy vọt lên WM và chiếm lĩnh sự chú ý. Khi có thời gian để lựa chọn phản ứng thì nên hướng sự chú ý vào GL để điều chỉnh hành vi. Nếu trong cuộc sống có quá nhiều thứ lộn xộn rồi thì WM đã chứa quá nhiều thói quen xấu thì lấy đâu chú ý đến GL. Chỉ còn cách là giảm dần những lộn xộn đó, chủ động sắp xếp lại cuộc sống, tao môi trường tốt, thông thoáng trên WM để sự chú ý có chỗ nhìn ngắm GL dễ hơn. Cách làm này là vừa ngăn chặn stimuli vừa chuẩn bị sẵn response bằng thiện chí. Xem Ngoại Kích: Cháo nóng húp quanh, https://www.hoasentrenda.com/smf/index.php?topic=20037.msg67430;topicseen#msg67430.
Hết phần 8 (còn tiếp)
(Nội Công: Phương trình Nhập định (9))
IV. Lời kết
Với sự hỗ trợ về mặt chi tiết từ các bài thu hoạch trước, Ba rất vui khi có thể tổng hợp, hoàn thiện mối liên kết giữa đề mục, tâm lăn xăn, sự chú ý, và sự định tâm lại với nhau thành một phương trình nhập định. Ba gọi là Mathditation Equation of Samadhi (MES) hay Attention-Based Equation of Samadhi (AES). Phương trình MES được tóm lại như sau:

Focus = A*Dynamic_Subject + (1 – A)*Mind_Monkeys
       subject to Dynamic_Subject = {N, V, C, Q, U, t}

Trong đó, Dynamic_Subject cần bao gồm những yếu tố:[1]  
+ N: số lượng (và chiều dài) đơn vị thông tin (vd. 5, f, 23, m, 15).
+ V: giá trị hay ý nghĩa của từng đơn vị thông tin (vd. số năm, chữ f, số 23, chữ m, và số 15).
+ C: màu sắc hiển thị của thông tin (vd. màu xanh đậm, tím, đen, đỏ, và xanh lá cây).
+ Q: yêu cầu về cách xử lý thông tin (vd. cộng dồn theo dạng Fibonacci [2]).
+ U: khác lạ, tránh dùng lại nhiều lần một đề mục.
+ t: có hay không có yêu cầu về thời gian. Dùng khi cần thiết.

Phương trình này đơn giản, trung tính, và hiệu quả. Một khi mình hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn nó thì khả năng nhập định thành công ở mỗi buổi tập rất cao. Ba hy vọng nó có thể giúp cho nhiều người yêu thích thiền định đạt được sự định tâm và hỷ lạc trong tập thiền.
Hết chuyện rồi con.
nbt
Ghi chú:
[1] Ngoài ra, các yếu tố khác như ý chí, niềm tin, sự đam mê, tuổi tác, sức khỏe, …, và nghiệp lực đã được trình bày trong phần IV bài Nhập Định_Tâm Lượng Tử rồi. Nếu nhìn nhận một cách chính xác hơn thì các yếu tố này không thay đổi khi mình tập đề mục tĩnh hay động (i.e. vẫn ý chí, niềm tin, và đam mê đó). Cái thay đổi chính là cái đề mục và như thế mình có thể thấy được tính hiệu quả hay không của nó.
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Fibonacci_number