Hỷ Lạc

40. Pīti, Phỉ.
Tâm hứng thú, hân hoan, thích thú. Danh từ Pīti xuất nguyên từ căn "pi", hoan
hỷ, thích thú. Danh từ Pīti thường được dịch là Phỉ, hay Hỷ. Nhưng Pīti không
phải là một loại cảm thọ (Vedanā) như Sukha, Lạc. Ðúng ra Pīti, Hỷ là tâm sở
đến trước, và trong khi xuất hiện, báo hiệu rằng sắp có Sukha, thọ Lạc, phát
sanh. Như hai chi thiền đầu tiên Pīti, chi thiền Hỷ cũng là tâm sở đồng phát
sanh cùng với cả hai tâm thiện và bất thiện. Ðặc điểm của tâm sở nầy là tạo
thích thú cho đối tượng. Pīti tạm thời khắc phục triền cái oán ghét (Vyāpāda),
sân hận, hay bất toại nguyện.
Có năm loại Pīti (Hỷ) là:
1. Khuddaka Pīti, cái vui làm rùng mình, rởn óc, hay "nổi da gà".
2. Khaṇika Pīti, cái vui thoáng qua mau lẹ như trời chớp.
3. Okkantika Pīti, cái vui tràn ngập như sóng biển trườn lên bãi.
4. Ubbega Pīti, cái vui thanh thoát đem lại cho hành giả cảm giác nhẹ nhàng
như bông gòn lững lơ bay theo chiều gió.
5. Pharaṇa Pīti, cái vui thấm nhuần toàn thể châu thân như bong bóng được thổi phồng hay trận lục tràn lan làm ngập cả ao vũng.

41. Sukha, Lạc
Là an lạc hay hạnh phúc yên tĩnh. Sukha là một loại cảm thọ thích thú. 
Nghịch nghĩa của Sukha là Uddhacca và Kukkucca, phóng dật và lo âu. Cũng như Vitakka (Tầm) đến trước, báo hiệu có Vicāra (Sát) sắp khởi sanh, cùng thế ấy, Pīti (Phỉ) đến truớc và báo hiệu sắp có Sukha (Lạc).
Ðặc tánh của Sukha là thỏa thích hưởng thọ một cái gì mình mong muốn, như ông vua đang hoan hỷ thưởng thức một cao lương mỹ vị. Pīti (Phỉ) tạo cho hành giả trạng thái cảm nghe hứng thú trong đề mục, còn Sukha (Lạc) thì giúp hành giả thỏa thích hưởng thọ đề mục. 
Khách lữ hành mệt mỏi đi trong sa mạc thấy xa xa có cụm cây và ao nước. Trạng thái vui mừng trước khi thật sự thọ hưởng là Pīti, Phỉ. Khi đến tận ao nước, trạng thái thỏa thích tắm rửa và uống nước là Sukha, Lạc.
--
Nên phân biệt trạng thái thích thú tinh thần nầy với Ahetuka Kāyika, thích thú về vật chất. Tâm sở Sukha nầy đồng nghĩa với Somanassa. Ðây là trạng thái thích thú không liên quan đến lạc thú vật chất. Trái lại, thọ Hỷ nầy chính là hậu quả dĩ nhiên của sự từ bỏ thú vui vật chất (Nirāmisa Sukha). Hạnh phúc Niết Bàn lại càng tế nhị và cao thượng hơn hạnh phúc của Thiền (Jhāna) nhiều.
Hạnh phúc Niết Bàn không còn là một cảm giác (thọ), mà là sự giải thoát trọn vẹn ra khỏi mọi đau khổ (Dukkhūpasama). Hạnh phúc Niết Bàn có thể ví như trạng thái thoải mái dễ chịu của người tàn phế khi được phục hồi trở lại, mạnh khoẻ như thường. Ðó là trạng thái thoát ra khỏi một cảnh khổ, hạnh phúc giải thoát.
(Vi Diệu Pháp P.48)