Do and Don't

Phật Ngôn
Thu, 5 Mar 1998 09:23:02
Chào các Bạn.
Ngày nọ, dân xứ Kesaputta, thường được gọi là Kãlãma, bạch Đức Phật rằng có nhiều tu sĩ và nhiều vị Bà La Môn đến đấy giảng đạo, mà người nào cũng khuyến dụ dân chúng chỉ nên tin giáo lý của mình, không nên tin lời các tu sĩ khác. Rốt cùng dân không còn biết tin vào ai.
“Đúng như vậy, nầy hỡi người Kãlãma, các con hoài nghi là phải, các con ngờ vực là phải. Trong trường hợp khả nghi thì sự ngờ vực phát sanh.”
Đức Phật dạy như vậy và khuyên nhủ người Kãlãma như sau và sau đây là những lời khuyên mà người theo chủ nghĩa duy lý hiện đại có thể áp dụng giống như các Đạo Sĩ hoài nghi thời xưa:
Hãy đến đây! Người Kãlãma,
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại (tỷ như nghĩ rằng ta đã nghe điều nầy từ lâu).
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì tập tục cổ truyền lại như thế (tỷ như điều nầy đã được truyền lại từ bao nhiêu thế hệ).
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì có lời đồn đãi như vậy (tỷ như tin người khác mà không suy xét).
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy đã được ghi chép trong kinh sách.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình ức đoán như vậy.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì mình suy diễn như vậy.
- Không nên chấp nhận điều gì theo bề ngoài.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hợp với thành kiến mình.
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì điều ấy hình như có thể chấp nhận được (tỷ như nghĩ rằng điều ấy phải được chấp nhận).
- Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghĩ rằng vị tu sĩ thốt ra điều nầy đã được kính trọng từ trước (và như vậy lời nói phải được chấp nhận).
Tuy nhiên, khi tự các con hiểu rõ rằng:
-- Những điều nầy không hợp luân lý, những điều nầy đáng được khiển trách, những điều nầy bị các bậc thiện tri thức cấm đoán, nếu thực hiện những điều nầy sẽ bị phá sản và phiền muộn.
-- Thì hẳn các con phải từ bỏ không làm điều ấy.
Khi các con hiểu rõ ràng:
-- Những điều nầy hợp luân lý, những điều nầy không bị khiển trách, những điều nầy được các bậc thiện trí thức tán dương, nếu thực hiện những điều nầy sẽ được an vui hạnh phúc.
-- Thì hẳn các con phải hành động đúng như vậy
Anguttara Nikãya quyển 1, tr. 189.
Phật ngôn nầy được dạy trên 2500 năm trước nhưng vẫn còn mãnh lực và hiệu năng cho đến thời đại văn minh của thế kỷ 20. Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài nên tìm chơn lý chớ không nên chỉ nghe qua là tin liền, dầu người nói có nhiều uy tín như thế nào đi nữa.
.....Trong Phật Ngôn trước có đề cập đến hai chữ Luân Lý vậy theo Đức Phật thì Luân Lý phải như thế nào? Câu giải đáp nằm trong lời Đức Phật dạy La Hầu La (Rãhula):
Nếu có điều nào con muốn làm, nầy hỡi La Hầu la, hãy nghĩ như sau:
Điều nầy có hại cho ta hay cho cho kẻ khác, hay điều nầy có hại cho kẻ khác và cho ta.
Vậy đó là một hành động xấu, sẽ đem lại sư đau khổ. Con phải hết sức tránh làm điều ấy.
Nếu có điều nào con muốn làm, nầy hỡi La Hầu la, hãy nghĩ như sau:
Điều nầy không có hại cho ta, điều nầy không có hại cho ai khác, hay điều nầy không có hại cho ai khác và cho ta. Vậy đó là hành động tốt, sẽ đem lại sự hạnh phúc.
Hành động ấy, con phải làm và làm nhiều lần.
Mến.