Tiêu chuẩn về cái hiền

Tín:

Thưa Thầy và các Gạo Cội cùng mọi người trên đạo tràng, con xin kể về cái con nghĩ được gọi là "hiền".
- Hồi nhỏ thì con cứ nghĩ như mọi người hay nghĩ: người hiền là người dễ tính, ít đòi hỏi, bị ăn hiếp thì cũng cam chịu, không đáp trả lại, nói lời nhỏ nhẹ, và thường bị người khác nhận xét là ngu khờ. Khi con hiểu như vậy thì sẽ phân biệt ra hai loại người: người hiền và người dữ. Ví dụ: bạn A hay ăn hiếp bạn B, đánh bạn B, con nghĩ rằng bạn A dữ, bạn B hiền.
- Lớn lên dần thì con lại nghĩ khác đi. Trong những người "hiền" ấy thì có những người không thật sự là hiền. Tuy không đáp trả nhưng họ lại uất trong lòng. Không dằn xé người khác nhưng lại dằn xé ruột gan của mình, con là kiểu người như vậy. Đến đây con nhận xét rằng: đây không phải là người hiền, chỉ có những người không ôm hận thì mới xứng gọi là người hiền mà thôi.
- Một thời gian sau, khi tiếp xúc với đời nhiều hơn một tí, con lại nhận ra trong những người không ôm hận, lại có những người nuốt hận và biến nó thành mục đích phục vụ cho lòng tham của mình. Ví dụ vì muốn được tiền tài bổng lộc nên nuốt giận dù bị đè đầu cưỡi cổ, rồi nhờ sự ham bổng lộc ấy mà cơn giận biến đi. Mấy người như vậy khi không đạt được mục đích thì sẽ lòi ra cơn sân hận của mình. Con lại nhận ra những người như vậy hoá ra cũng không hiền tí nào. Chỉ những người không ôm uất hận, không vì mục đích lòng tham mới gọi là hiền.
- Một thời gian sau, con lại nhận ra từ chính mình rằng: có những lúc người ta nói con hiền, nhưng thật sự đó là do con ngu ngơ, không hiểu chuyện nên mới không giận dữ, mới không có nổi lòng tham. Đó là do cái ngu si chứ không phải là hiền thật! Khi đầu óc sáng suốt ra thì con tham lam và sân hận cũng như ai. Như vậy đây là tâm hung dữ ẩn mình chứ không phải hiền.
Con nhớ Thầy dạy rằng tham sân si là một mắc xích. Con nghiệm lại thấy thật sự là như vậy, ba trạng thái này cứ xen kẽ với nhau, thay phiên nhau xảy ra trong cuộc sống của con.
Vậy con tự trả lời rằng: người hiền thiện là người tự xét rõ và thấy rằng tâm mình không còn tham sân si.

"Tu hiền rồi mới tu thiền".
Hồi trước con tu tập vì bị lực hấp dẫn của tò mò, ham thần thông để đạt được mục đích này nọ, hoặc để thoả mãn đống kiến thức Phật Pháp của mình. Với tinh thần đó nên con đã tu tập thiền định theo cách của một người hung dữ. Dù có ra đề mục, có hỷ lạc nhưng con lại xem đó là mục tiêu để thoả mãn bản ngã, vì vậy đạt được thì tham sân si được thoả mãn, không đạt được thì loạn tâm, tâm ngày càng tham sân si hơn.
Sau này con tự nhận xét: con đã rơi vào quỷ thuật. Tức là: độ tập trung cao nhưng lấy độ tập trung ấy phục vụ cho tham sân si của mình. Đó là sự tu tập thiền định của một người hung dữ.
Vì vậy con tự thấy rằng: phải biết hiền rồi mới tu thiền thì mới không bị lạc đường.

Làm sao để được hiền đi?
Con cũng tự hỏi mình như vậy. Riêng con thì khi bị cuộc sống dập cho te tua rồi mới tỉnh ngộ ra được. Thân thể con bị bệnh đau, tâm con thì buồn khổ, con cảm thấy bế tắc, trong sự khổ sở đó con mới chợt loé lên giá trị của tu tập. Lúc đó mới co vòi nhận ra mình là một người hung dữ. Kể từ khi con bắt đầu nhận ra mình dữ thì con mới bắt đầu biết hiền đi. Còn trước đây dù có ra đề mục nhưng con không thấy được cái dữ của mình thì con cũng không hiền đi nổi.
Bắt đầu biết hiền đi không có nghĩa là hiền ngay lập tức. Con hiểu rằng phải tu tập thiền định thì mới thuần hoá được cái tâm hoang dã của mình. Núi tham sân si cao lắm, kể từ khi nhận ra được nó thì mới bắt đầu cuốc từng miếng đất để phá núi đi.
Đường còn dài, con thấy như vậy.
Con cảm ơn Thầy đã trao cho con phương pháp tu tập này!
Moon:
Tín nhận xét về Cái hiền khá chi tiết.

Người hiền là người biết, nhưng không để bụng, và không dùng trí thông minh của mình để điều khiển người khác nhằm thoả mãn bản thân.

Ở Xã hội, sự điều khiển người khác rất nhiều và len lỏi trong từng ngóc ngách. Khi sống ở trong đời sống, cái dễ nhất đó là nó liên quan đến của cải vật chất. Cao hơn đó là Chính Trị. Cao hơn nữa là Phong tục, bắt ép người khác phải làm theo ý mình. Và ẩn mình, đó là cái chữ ng ta hay gọi là Đạo. Cùng Đạo thì vui vẻ, khác thì tỏ vẻ không ưa, bắt đầu mang lời hạ người khác; điều này 99% con người mắc phải, vì nó đi từ thô đến vi tế.

Nhưng chỉ khi Thiền, thì cái Tâm mới có sự sáng suốt, mới hiểu rõ mình đang mắc cái gì. Khi mở ra một lời nói, dần dần mình hiểu mình nói nhằm thoả mãn cái gì? Nếu không có Thiền, thì sự kết nối giữa các mảng thông tin không được rõ ràng, sự nhận thức là những mảnh vỡ không kết nối lại được, cho nên cái Hiểu không thể sâu sắc; hoặc chỉ là Nói theo người khác vậy thôi.

Cho nên: Hiền và Thiền là đi đôi với nhau, nó là 2 mảng khám phá. Một mảng là từ trong ra ngoài, một mảng là từ Ngoài hỗ trợ vào trong, luôn luôn đi song hành, giúp đỡ, hỗ trợ cho nhau.

Một người hỏi nhiều và lan man, xuyên suốt các chủ đề, chỉ cho thấy: người đó chưa hiểu được yếu quyết của phương pháp.
Trong cách thực hành, khi chưa nắm được, các câu hỏi chỉ cần xoay quanh cách tiếp công thức gốc. Ví dụ như khi đi học, khi chưa biết gì, học sinh thường hay hỏi những câu rất lan man. Nhưng có người học sinh biết hỏi, thì sau vài câu, họ nắm được cái điểm xuất phát của môn học ấy là gì. Thế rồi họ chăm chỉ thực hành. Rồi khi thực hành, họ hiểu, và họ biết áp dụng kiến thức ấy vào nhiều việc khác nhau.
Nhiều việc trong tâm linh cũng vậy, nếu cái gì cũng hỏi và hỏi đủ thứ, nghĩa là cái Tâm người hỏi ấy còn rất lăng xăng. Lăng xăng tập trung vào các mảng thông tin nhỏ lẻ, thì không bao giờ có thể kết nối được bức tranh toàn cảnh. Bức tranh ấy cần một chất hồ keo kết dính, do chính người đó phải Tự tạo ra, bằng tâm lực và sự hiểu biết tự thân. Làm như vậy, mình không phí thời gian đi nhặt lá rơi, mà mình tự trồng lên cái cây có thể ra trái.

Tibu:
Tóm lại:
Y như lúc ăn, lúc uống:
Thứ gì đã độc thì đừng có đem vào.