Ù lỳ trong công phu - nên đọc mỗi ngày để hiểu rõ

Ù lỳ trong công phu
3-16-2009
Trước hết là xin cảm ơn người hỏi cái câu hỏi này, vì nó quá hay, do quá hay mà khi trả lời thì đụng mạnh đến nhân quả nên bị nó... chơi trước (điều này thì ai mà làm chuyện chỉ bày vớ vẩn thì... quá quen thuộc! Và coi như là chuyện bình thường):
Trái tim cà xịch cà đụi của đệ được Bác Sĩ đưa vào hai cái lò xo bằng kim loại titanium. 
Vừa rồi loay hoay thế nào đó mà bị... tỉnh điện nó giật một phát ngay chốc vào ngay cái chỗ hai cái lò xo này: Kết quả là dòng điện cung cấp cho trái tim (dòng điện này do dây thần kinh và mạch máu cung cấp) bị rối loạn!

Thế là sau khi bị giật một phát là... tình trạng "an thần" xảy ra:
Đệ ngủ chưa từng có (một ngày ngủ từ 12 giờ tới 14 giờ liên tục).
Mới hôm kia, đệ chống trả lại bằng "Chánh Định"! và nay đã làm xong: Tim trở lại bình thường. 
Được như vậy cũng xuýt chết, vì trước khi tim nó về lại sự bình thường thì nó đập lạng quạng lắm: 
Nó đập mạnh và nhẹ không có thứ tự gì hết:
Nhẹ thì nhẹ như tơ hồng, mạnh thì như là "động đất": Máu dồn bất ngờ lên đầu rất là mạnh. Nó hành hạ đệ trong vòng nữa giờ thì hết. Nay đã bình thường.
Ngày mai nghỉ làm, ở nhà, thì nó sẽ lấy lại sức, không sao hết. 
Trở lại vấn đề: Tập tành, sao nó cứ ù lỳ!

Tóm tắt, những điều sẽ trình bày (ngày mai sẽ nói tiếp... chi tiết hơn):
A. Thói quen tu sĩ:
1. Đóng dấu tâm linh khi còn trớn ở "Cận Định" Có nghĩa là khi vừa mới ra cái bùi nhùi màu sắc mờ mờ, ảo ảo, xìu xìu, ểnh ểnh (củi lửa không nên thân).
2. Chai lỳ tâm thức (do máy móc)
B. Giải quyết:
3. Suy nghĩ dương tính trong tình trạng thê thảm (tự bơm)
4. Tỷ lệ "quyết tâm".
5. Tuyệt chiêu của Đại Đệ Tử của Đức Phật.
Viết ngày 12 tháng 3, 2009

Tình trạng bị ù lỳ trong công phu:

A. Thói quen tu sĩ:
Tu sĩ hay bất cứ nghề gì cũng bị cái thói quen nghề nghiệp nó làm cho tu sĩ, theo thời gian, mất đi cái cảm giác của "cái thủa ban đầu lưu luyến ấy", có nghĩa là: Thay vì vừa làm vừa thưởng thức thì lại làm một cách máy móc, theo phản xạ. Điều tai hại lúc nào cũng xảy ra, nếu tu sĩ không làm cho mình "vui số 10" (với số 0 là không vui gì hết, và số 10 là vui tối đa). Không có cái vui này thì cái tâm nó lại chạy theo thói quen "buôn bán, tính toán này nọ" liền!
Thói quen thâm căn cố đế:
Cái mặt chìm của cuộc sống là đi tìm hạnh phúc, không có cái này thì... ai mà dại dột làm việc đó chi cho mất công, và tốn thời giờ một cách vô ích như vậy?
Từ uống rượu, hút xì ke, đánh bạc, đi ăn vụng, ăn cao lương mỹ vị, uống máu, nhóm họp bạn bè, làm ăn... cái gì cũng không ngoài cái mục đích là đi tìm cái hạnh phúc.

Trong đó có cái tu tập, cái mà nó đòi hỏi "Con Người" phải đạt tiêu chuẩn hạnh phúc rất là cao cấp, và cực kỳ rõ ràng. Tuy nhiên, do thói quen đã nói ở trên: Hành giả sau 1 thời gian tu tập thì tự nhiên lòi ra những phản ứng phụ trong công phu, những phản ứng này phát xuất từ nghiệp sát.

1. Đóng dấu tâm linh khi còn trớn ở "Cận Định" Có nghiã là khi vừa mới ra cái bùi nhùi màu sắc mờ mờ, ảo ảo, xìu xìu, ểnh ểnh (củi lửa không nên thân).
1.a. Trước hết là nên hiểu tình trạng "cận định" và tầm ảnh hưởng của nó:
Tâm ở Cận Định là một dạng công phu cao cấp ở Dục Giới (Tương đương với Tha Hoá Tự Tại). Đồng thời nó cũng là... tiếng nói của lương tâm (nếu tâm thức giao động ngay ở cái bản lề giữa Thô Tâm và Vi Tế Tâm).
1.b. Kế đó là nên biết cái ưu điểm và cái khuyết điểm của nó:
Trong tư thế này mà kết luận bất cứ cái gì thì hành giả đều có thể tác dụng trực tiếp vào cái "Vô Thức".
Mà cái "Vô Thức" mà bị kích động... đúng thì nó lại bơm cho hành giả tiếp tục tiến tu.
Nhưng nếu mà nó bị... kết án thì nó sẽ cầm chân hành giả lại một thời gian rất là dài. Hư bột hư đường cũng là ở chỗ này đây!

Bơm à?
Ừ, nó có thể bơm hành giả khi hành giả "vui số 10". Còn "không vui được số 10", thì hành giả ráng sức mà tự bơm mình lên bằng cách là suy nghĩ về phước báu vô lậu này là: Ngồi xa lông mà cũng có đầy đủ pháp hành! (khỏi cần trèo non lội núi để tìm Milarepa) Ra ngoài đường thì tay bắt mặt mừng với Quan Thế Âm bằng xương bằng thịt!... Có gì thì... mét Quan Thế Âm và nhờ giải quyết!
Và nhớ là suy nghĩ về những chuyện này khi vừa công phu xong.
 Lúc này tâm lực nó đang còn ở tình trạng "Cận Định" với cái cách suy nghĩ về cái phước báu này thì qua lần công phu sau: nó có thể lên tinh thần và... bơm mình để có thể tiến tu.
Cầm chân được à?
Ừ, nó bị chính mình kết án là... đồ cù lần! Làm ăn không nên thân! Ổng đã chết lên chết xuống và đưa tới tận miệng mà làm... cũng không xong!
Với câu kết án như vậy thì nó xuống tinh thần và lần sau là... chưa tập đã bị... khớp vía và do đó là... hết pin! Nó còn bị cái ký ức này kềm lại khi gặp trở ngại trong công phu.
Nó là cái "lương tâm" hay là cái "Vô Thức" đó! Cả hai cái mà nó rị lại là thua to.

2. Chai lỳ tâm thức:
Như trên đã nói là sau một thời gian tu tập thì buổi công phu biến thành phản xạ, hành giả làm ... như máy, và mất hết cái "tình cảm" mà mình có được vào những buổi đầu: Tâm thức trở nên "chai lỳ". Do sự nhàm chán này mà tính cách linh động của đề mục lại không còn nữa.
2.a. Sự phát sinh:
i) Sở dĩ có tình trạng này là vì... trong vùng mình ở... chưa có ai tập hay hơn mình, tính cách "ta đây" nho nhỏ xuất hiện và mọi cố gắng trở nên vô nghiã!
ii) Hoặc là có người cùng tập với mình. Nhưng người này lại quá hay, qúa chính xác, nên mặc cảm "thua thiệt" bắt đầu xuất hiện và do đó mà tâm thức trở nên ù lỳ và từ tình trạng này nó thành chai lỳ luôn!
Đây là tình trạng mà sách vở nói về "vi tế ngã" tức là:
một hạt cát của cái gợn nhẹ về bản ngã này đã chận đứng được nguyên bộ máy tâm linh!
iii) Ngoài ra, vì chưa có ai hay hơn mình nên mình không cần cố gắng nữa! Và tự cho là "Nhất Thiên Hạ" rồi! Đây cũng là ... có lý khi hành giả này:
Nói về nghe thì họ có thể nghe từ tiếng ììì của sợi dây có dòng điện đi qua, cho tới tiếng kêu của "Trái Đất". Hay từng hành tinh một trên dãy Ngân Hà! 
Nói về Thấy thì hào quang của họ từ nữa thước (lúc đầu tu tập) thì nay đã phủ trùm từ chỗ họ ở cho tới phân nữa Thái Bình Dương! Và dĩ nhiên là họ đã coi qua luôn được cái kiếp thứ 41 từ khuya rồi.
Nói về nếm thì hành giả có thể nếm cả cái mùi của chính thân thể mình và ngay cả cái mùi... chưa đúng hay chưa chuẩn của một hệ thống hay là của một cái gì đó!
Nói về rờ thì đã từ lâu lắm rồi: Họ đã rờ được từng bộ phận trong thân thể của họ và cho tới... Mặt Trời và Mặt Trăng.
Làm được như vậy: Thì dĩ nhiên, câu nói "Trên Thế Giới này chưa ai làm được như con hết!" là... đúng!
B. Giải quyết:
Như vậy là... ai cũng bị! Nhỏ bị theo nhỏ, lớn bị theo lớn! Cách giải quyết là: Mình tu để làm cái gì? Tất nhiên là để cho mình "hạnh phúc" và cứ suy nghĩ về câu trả lời này thì... an toàn. Có nghĩa là lúc nào mình cũng vui và nhẹ nhàng là ngon lành. 
Còn y như chưa tu, có nghĩa tâm nó cứ bơ bơ và hễ mà có tý chuyện là mình cảm thấy được cái nặng nề... cái mệt mỏi và nhất hay "lên giọng" hơi cáu gắt... là có vấn đề!
3. Suy nghĩ dương tính trong tình trạng thê thảm (tự bơm):
Cái phần này dành cho những người "hay kết án mình"! 
Phải hiểu là sự kết án này nó phát xuất từ:
3.a. Cái tình thương chân thành với thằng Bạn của mình.
3.b. Do mình cũng muốn phụ nó một tay để cho nó đở mệt.
Nhưng vì tập hoài không xong, nên mới sanh ra cái phản ứng trên.
Lời khuyên là: Nên để ý đến câu chuyện "Học đánh kiếm để trả thù cho gia đình".
Chuyện rằng: 
Có gia đình nọ bị cướp vào và bị giết hết. May thay, còn lại bà mẹ và đứa con út. Mẹ nuôi con lớn lên và cho con đi học kiếm để phục thù. Khi thanh niên này gặp được vị Thầy thì anh chàng hỏi rằng:
 - Học nhanh nhất thì trong bao nhiêu năm mới thành kiếm sĩ?
Thầy nhìn tướng người học trò, đo xương bã vai (theo truyền thống bí mật của Samurai), xong rồi mới gật gù trả lời:
 - 5 năm.
Học trò đề nghị là:
- Nếu con học siêng năng và ngày đêm thao dợt thì bao nhiêu năm?
 - 10 năm thì xong.
- Nếu con bỏ hết, ngay cả thời gian ngủ, nghĩ và tiết chế cả ăn và uống để dành cả thời giờ đó vào việc thao dợt thì bao nhiêu năm?
- 15 năm có thể là xong, nhưng chắc rằng xong rồi thì hết làm gì được.
Và nhìn anh thanh niên này, Kiếm Sư nói lên khẩu quyết quan trọng như sau:
- Này anh bạn à, sở dĩ có chuyện trễ nải đến như vậy là vì anh bị phân tâm trong việc học.
Anh bạn phải mất đi 10 năm vì anh bị hai cái: cái thứ nhất là việc học kiếm, và cái thứ hai là việc trả thù.
Còn chuyện 15 năm là vì anh sẽ bị ba cái: cái thứ nhất là học kiếm, cái thứ hai là trả thù và cái thứ ba là không có đủ sức khỏe.
Lời khuyên của tui là anh cứ lo học kiếm và khi học là gác chuyện trả thù qua một bên. Khi nào xong thì tui sẽ nói cho anh bạn biết, và tui sẽ là người  nhắc cho anh bạn nhớ lại là phải đi trả thù.
Kết quả: ba năm sao là anh chàng học xong.
4. Tỷ lệ "quyết tâm"
Ai cũng quyết tâm hết á! Có người làm được, và cũng có người lại không làm được.
Tại sao?
Nguyên nhân sâu xa:
4.a. Trí óc thì biết đây là phương pháp đầy đủ và muốn thực hành, nhưng do thói quen lâu đời nên khó có thể quyết tâm được. 
Thói quen này do đâu mà có?
Con Người chưa tu tập xong thì có ba phần: Tư tưởng, linh hồn và thể xác. Trong đó thể xác ảnh hưởng nặng nề nhất, kế đó là linh hồn và sau cùng là cái tư tưởng.
Thể xác thì... ở đây. Linh hồn thì có khả năng di động nhiều hơn, còn tư tưởng là cái hay trở về với những thói quen xa xưa của hành giả.
Có nghĩa là
khi hành giả ngủ thì tư tưởng lại có thói quen lôi cái linh hồn về lại cõi mà nó hay ở.
Dùng thiên nhãn mà coi một hành giả, thì sẽ thấy được nguyên nhân này liền:
Khi còn thức là "con người" nhưng khi đi ngủ thì linh hồn lại trở về cõi Atula, hay cõi linh vật (Rồng), hay là đi gặp lại những vị thầy mà mình đã tu tập với họ: Thông thường là những cõi của những "Điện Thần Nhân".
Những hành giả này rất là khó mà quyết tâm.
Sau đây là những kinh nghiệm của những người, tuy rằng đang lâm vào tình trạng trên, nhưng vì có phước báu nên đã mò ra cách thức như sau:

4.b. Điều đình tâm thức:
Như đã nói ở trên, tâm của hành giả "chạy ngược chiều" với cái lòng mong muốn (áp dụng cho những hành giả có liên quan đến cái "Điện Thần Nhân"). 
Trong điều kiện này thì phải quay ngược 180 độ. 
Nhưng làm như vậy là quá đột ngột nên tâm lý nó bị giao động rất là mạnh và không ổn định. Do tình trạng không ổn định này mà nó không thể yên tâm mà vào đề mục được. (tình trạng ngủ mê mệt khi sắp sửa vào đề mục).

Nguyên tắc là làm từ từ.
Vào thời kỳ của Đức Phật Thich Ca thì Ngài cho thời gian là ba tháng. Những hành giả này làm cái gì trong ba tháng này?
Họ... hoan hỷ ở "Cận Định" nhưng lại 
kiểm soát không cho mình "lớn lối", và
không cho mình "hở tý là sân hận", "hở tý là ghen tuông". 
Trong ba tháng vào quân trường này họ rơi hoàn toàn vào tình trạng "không phải là Tha Hoá Tự Tại" (do không cho mình "lớn lối") và "không phải là Atula" (do ngăn chặn tình trạng ghen tuông và sân hận). Cũng trong ba tháng này họ cũng được nghe tin tức: Những người tu sĩ được quả vị này, được quả vị kia... việc này để bơm họ lên.
Do sự chuẩn bị tâm lý được như vậy nên khi họ có, hay là gặp những triệu chứng như sau, thì họ biết là thời gian nhấn ga tu hành đã đến:
i) Ra ngoài đường thì hay nghe những người khác gọi nhau sau lưng mình. Chuyện kỳ lạ là họ vẫn cứ gọi nhau hoài đó chớ! Nhưng trong tình trạng "ba tháng quân trường" thì hành giả lại nghe tiếng gọi lại có tính cách "hướng về mình" và rất là chói tai.
ii). Khi công phu vào "Cận Định" thì trong khi nhắm mắt nhìn cái đám sương mù, hay là màu sắc bùi nhùi, xoay xoay ngay đằng trước mặt (thông thường hành gia chỉ dừng ở ngay chỗ này thôi) thì đồng thời cũng có cảm giác là có cái gì đó nó đang ở sau lưng mình. Và hành giả biết là "cái đằng sau lưng là không đúng, và không tự nhiên".
Hai hiện tượng này nó phản ảnh tình trạng níu kéo của các cảnh giới thuộc loại thói quen xa xưa của mình.
Sau khi cứ bị đi, bị lại tình trạng trên, thì hành giả nên hỏi người có thiên nhãn xác nhận lại lần cuối, coi có đúng là như vậy không?
Nếu đúng, là hành giả nhấn ga tu hành vào cách "Nhập Chánh Định" vào đề mục. Song song vào đó, nên nhớ tác ý về tình trạng hỷ lạc khi đề mục đã xuất hiện ổn định (lâu từ 40 giây đồng hồ trở đi).
Mẹo vặt: 
Trong khi đề mục chưa có xuất hiện mà hành giả cũng còn đang loay hoay với cái đám sương mù hay là đám màu sắc... thì hành giả nên bơm mình lên bằng cách suy nghĩ:
Đây là cơ hội ngàn vàng do cố gắng cá nhân mà tui được như vầy đây! Tui đang đi trên con đường "Chánh Pháp" đây là kết quả của những "Phước Báu Vô Lậu" mà tui đã gieo trồng tư vô lượng kiếp cho tới này. Đây đúng là thời thoát xác tu hành! 
Và với tâm hoan hỷ như vậy, hành giả vào công phu và tìm cách vẽ bằng tư tưởng cho ra cái đề mục ngay đằng trước mặt mình.
Nếu chưa ra thì nên biết là từ Vô Lượng kiếp cho tới nay, hành giả chưa một lần đạt được tình trạng công phu theo kiểu này! Do đó mà nó mới... khó làm như vậy! Hiểu như vậy thì không nên kết án mình là... dở, là... không ra gì! Mà vô tình lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn của tình trạng ù lỳ trong công phu! Mà nên... bơm mình lên bằng cách nói cho mình nghe là:
Chẳng qua đây là thói quen! Mà thói quen thì làm riết thì nó... quen! Và khi nó đã quen thì nó làm được! Vấn đề chỉ còn là cố gắng cá nhân và nhớ là phải làm đều đều, một cách "trung đạo".
4c. Nhập Chánh Định vào đề mục:
Trong khi tu hành nước rút này:
a). Hành giả không được bước ra khỏi chương trình tu hành. Có nghĩa là phải kềm cái tâm của mình lại, và dán nó vào cái đề mục. 
b). Hoặc là sau này (có thiên nhãn rồi), thì dán cái tâm vào cái điều mà mình muốn quán tưởng. Không cho nó chạy bậy. 
Điều này khó làm... trần ai luôn đó!
Nhưng sau khi bị mệt phờ râu, mệt gần chết, mệt lả người... thì tâm thức đã bị khuất phục và nó phải làm theo ý của mình.
Đối với những người hay về cõi Linh Vật (Rồng) thì chỉ cần sám hối và vào tập vào Chánh Định! Loại hành giả này không thích sám hối đâu! Nhưng chi có cách này thì mới tiến được mà thôi. Hay nói cách khác đây chỉ là quẹo cua 90 độ mà thôi, nên tình trạng điều đình tâm thức nó không có nặng nề như hành giả Atula hay là hành giả "Địên Thần Nhân".
(Đệ là hành giả "Điện Thần Nhân").
Một giấc mơ, hay là một linh ảnh chứng tỏ là hành giả đã giả từ được cảnh giới đó và ra đi:
Các Bạn cứ tưởng tượng một vận động trường có thể chứa được vài tỷ người, và vài tỷ người này đồng thời vẫy tay chào hành giả. Trong khi đó là hành giả lại bay từ từ trên hư không! Cảnh tượng ngoạn mục và thanh tịnh không thể tả được.
Lúc này mà ngủ quên trong chiến thắng là..."không có cái ngu nào bằng cái ngu này". Lúc này là lúc nhấn ga tu hành và nhập cho vững chắc vào cái "Chánh Định trên một đề mục". Làm như vậy là khẳng định với chính mình là "không về lại thế giới này nữa đó!

5. Tuyệt chiêu của Đại Đệ Tử của Đức Phật.
Nói về những Ngài này, ít ai ngờ rằng những gian nan và khó khăn mà các Ngài phải tự chiến đấu với cái thói quen lâu đời của mình. Thật là ngoài sức tưởng tượng của bọn mình khi có thể tạm thời hình dung được hoàn cảnh cô đơn và tuyệt vọng của các Ngài khi đang phấn đấu và tự bức phá để tu hành!
Những Đại Đệ Tử này thật là xứng đáng và là những tấm gương không bao giờ phai mờ. Chỉ trong vòng một tuần thôi mà các Ngài đã chứng tỏ cho cái đám hậu sinh như bọn mình đây... phải... xanh mặt khi chỉ có đọc được phần tóm tắt về những khó khăn mà các Ngài đã phải trải qua trong thời kỳ chập chững vào Chánh Pháp.
Ngài thứ nhất và cũng là Ngài lỳ đòn nhất, không ai khác hơn là Ngài Mục Kiền Liên:
Đó là Ngài mà các tu sĩ sau này chế ra cái chuyện "ăn bánh bao có thịt chó" (Ấn Độ đâu có ăn... bánh bao!), mà bọn mình có thời kỳ "tin như sấm" đó.
5a. Mục Kiền Liên:
Lý lịch cá nhân: mù mờ (vì đây là lúc Ngài còn đang tu hành.)
Phản ứng của tu sĩ, phản ứng này... chỉ có Đức Phật Thích Ca là người phát hiện ra khi Ngài ở Tứ Thiền và đi ăn xin: Ngài đã tỏ ra mất kiên nhẫn khi đứng trước cửa nhà ai đó! Trong dịp này Đức Phật đã dặn dò Ngài là:
- - "Mỗi lần các thí chủ này trễ nải về chuyện để bát cho ông thì ông nên nhớ cho tui điều này là: Không phải họ khinh ông, mà là họ đang bận làm chuyện gì đó mà thôi!"
Chỉ một chi tiết nhỏ như vậy thôi mà Ngài Mục Kiền Liên đã nhận ra cái không hợp lý của chính mình!
Đó là: Tại sao đã là Tứ Thiền rồi mà còn có tình trạng... mất kiên nhẫn?

Lời bàn:
Thật là tinh tế khi Ngài tìm ra điều này! Tứ Thiền có thể ví như là Bác Sĩ. Và mất kiên nhẫn là phản ứng của người chưa tu, thì có thể ví như là "tình trạng mù chữ". Bác Sĩ và tình trạng mù chữ là hai hiện tượng không chấp nhận, và không thể nào đi đôi với nhau.
Hết lời bàn.
Ngài rà soát kỹ lưỡng hơn nữa trong một ngày và coi Ngài có làm gì sai trái không? Thì Ngài thấy là Ngài không phạm điều gì hết! Vã lại, Ngài lại tu hành xa Đức Phật nên không biết tính sao, và không biết hỏi ai!
Và từ đó Ngài thấy rất là rõ cái gợn nhẹ của sự phật ý! Và chính sự phật ý này lại đưa đến sự mất kiên nhẫn, khi Ngài gặp điều gì không được như ý như là đứng đợi khi đi ăn xin.
Đây là cái gai!
Nhưng nguyên nhân của cái gai thì Ngài lại mù tịt! 
Cô đơn và tuyệt vọng trong rừng, Ngài không tìm ra được đâu là cái khuyết điểm về cách tu hành của mình! 
Ngài tự nhủ:
- - Thật là điên cái đầu! Mình giữ giới luật tới như vậy là cùng cực rồi! Tập tành như vậy là hết rồi! Đề mục rõ và không gian thanh tịnh như vậy là hết mức rồi! Nhưng ở đâu lại ra cái tình trạng "mất kiên nhẫn này" vậy ta!

Tất nhiên, "hãy gõ thì sẽ mở", "hãy tìm thì sẽ gặp" lại không sai trong trường hợp này: Ngài đã tìm ra được nguyên nhân của cái thời gian mà Ngài không kiểm soát được! Đó là lúc Ngài đi ngủ! Ngài tự nhủ:
- - À há! Do tình trạng không thể kiểm soát này mà sự mất kiên nhẫn cứ hành hạ mình!
Bởi vậy mà Đức Phật mới có cơ hội để thuyết pháp về cách tu hành để chống lại cơn buồn ngủ.
Trích dẫn
Còn Mahà Moggallàna thì không sử sách nói rõ rại sao Ngài lại chọn nơi ẩn tu xa xôi tận rừng núi, tại ngôi làng Kalla Vàlaputta, thuộc vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha). Ở đó, với một sự tinh tấn bất thối Ngài luôn luôn giữ tâm trong pháp thiền, ngay cả trong lúc đi kinh hành hay trong những oai nghi khác.
Mặc dù vậy, Ngài vẫn bị những cơn buồn ngủ nặng nề tràn ngập. Ngài không muốn đầu hàng những hôn trầm này. Nhưng Ngài vẫn bất lực, không thể giữ cho thân mình ngồi thẳng, và đầu vẫn ngục xuống. Có những lúc Ngài phải vận dụng toàn lực để mở rộng đôi mí mắt, không cho nó khép lại.
Ðây là một trạng thái rất dễ hiểu. Bởi khí hậu vùng nhiệt đới oi bức, và bởi sau những năm dài du phương tầm đạo. Ðại đức Mahà Moggallànagiờ đây thân thể phải mệt mỏi và những cơn buồn ngủ đến với Ngài là một sự tự nhiên.
Nhưng đức Thế Tôn, bằng đức tính chăm sóc của một bậc thầy đến hàng đệ tử, Phật dù biết vậy, vẫn không ngừng theo dõi mọi sinh hoạt của Mahà Moggallàna. Ðức Phật tuy ở xa, nhưng với nhãn lực siêu phàm Ngài đã thấy rõ những trở ngại tu tập của người tân môn đồ đó, nên dùng Phật lực hiện ra trước mặt Mahà Moggallàna.
Khi Mahà Moggallàna thấy Phật đang đứng trước mặt mình, một phần lớn sự buồn ngủ, sự mệt nhọc tự nhiên bị biến mất. Bây giờ đức Thế Tôn mới hỏi Ngài:
- Phải chăng Mahà Moggallàna đang ngủ gục?
- Bạch Thế Tôn! đúng vậy!
Phật bèn dạy tám phần pháp giải trừ chướng ngại hôn trầm (buồn ngủ) như sau:
1/ Này Mahà Moggallàna! Ðừng nghĩ rằng có cơn buồn ngủ đang ở trong ông, rồi chú ý đến nó. Giữ tâm như thế cơn buồn ngủ sẽ biến mất.
2/ Nếu làm như vậy mà hôn trầm không đi mất thì ông nên nhớ lại những lời dạy của Như Lai và suy ngẫm. Khi ông nhớ đủ, rồi soi xét ý nghĩa giải thoát thì hôn trầm sẽ biến mất.
3/ Nhưng nhớ đủ Phật ngôn như thế mà hôn trầm không biến mất, thì ông nên lập lại sự phán xét ấy một cách chi tiết hơn về các pháp hữu vi của Như Lai đã dạy, hôn trầm sẽ theo đó mà biến mất.
4/ Nhưng nếu hôn trầm cũng không biến mất thì ông đem tâm ý vào xúc giác, cọ mạnh đôi vành tai và xoa bóp tứ chi thì hôn trầm (hay cơn buồn ngủ) sẽ biến mất.
5/ Khi làm như vậy mà hôn trầm cũng không đi mất thì ông nên đổi oai nghi, để tâm và ý duyên vào động tác, như đứng dậy đi rửa mặt bằng nước mát, rồi phòng tầm mắt quan sát tất cả mười phương tám hướng. Ðoạn ông nhìn lên bầu trời, quan sát mọi tinh tú, không gian, thì hôn trầm sẽ biến mất.
6/ Nhưng nếu làm như thế mà hôn trầm vẫn không biến mất thì ông nên chăm chú đến ánh sáng. Nếu ấy là ban ngày thì lấy ánh sáng mặt trời làm đề mục. Ban đêm thì lấy ánh sáng tinh tú (trăng, sao) làm đề mục. Ðây là cách làm cho tinh thần xán lạn không bị u ám, hôn trầm sẽ biến mất.
7/ Nhưng nếu dùng ánh sáng bền ngoài mà hôn trầm không biến mất thì ông quay lại soi xét nội tâm. Lấy nội tâm làm đề mục và cố gắng xem kỹ từng ý nghĩa, giống như lấy ánh sáng tinh thần để rọi thẳng vào tâm thức để thấy rõ từng chập tư duy khác nhau , đừng để một thứ tư duy nào hiện lên trong đầu ông mà ông không biết, đồng thời ông đứng dậy đi kinh hành. Làm thế hôn trầm sẽ biến mất.
8/ Như thế mà hôn trầm vẫn không biến mất thì ông có thể nằm xuống, biết rõ mình đang nằm như một con sư tử: vai mặt ở dưới, vai trái ở trên, hai chân duỗi thẳng, kê lên nhau, giữ trong tâm một ý niệm mạnh mẽ là: "Ta phải biết mình toàn thân đang nằm như thế nào? Nếu thân thể ta mệt mỏi thì ta để cho nghỉ ngơi, nhưng ta không say đắm trong sự nghỉ ngơi ấy!" thì hôn trầm sẽ biến mất. 
Tất nhiên, Ngài chiến thắng và làm xong trong 1 tuần.
Sau này Ngài sưu tra lại lý lích của mình thì Ngài phát hiện ra mình đã là "Thiên Ma".
Như vậy, hàng giả "Thiên Ma" sẽ phải vượt qua một cái núi Tu Di khó khăn đó là "Chống lại cơn buồn ngủ".
 Chỉ còn độc lộ này (con đường duy nhất) để mà thoát thân mà thôi! Vì hễ mà hành giả đi ngủ là thói quen làm Thiên Ma lại có dịp hoành hành và lấy lại sức để rồi... làm cho hành giả mất kiên nhẫn, có nguy cơ dẫn đến sân hận và sau cùng là trở về an trú trong Tứ Thiền với khuyết tật sân hận này. Và dĩ nhiên là chôn đời trong vòng lẩn quẩn để làm đi, làm lại cái chuyện... Thiên Ma!
Vòng tròn khép kính đến vô tận. 
Ngài Mục Kiền Liên đã đập tan ngục tù này chỉ trong vòng có 7 ngày!
Trong cái chỗ giam người: Cực hình không cho ngủ là một trong cái dã man nhất: Nạn nhân bị điếc, bị nhức đầu, mệt mỏi cực kỳ, và sau cùng là ảo giác, rồi điên. Tất cả cực hình này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.

5b. Ngài Xá Lợi Phất:
Đại Đệ Tử thứ hai này của Đức Phật Thích Ca là Ngài Xá Lợi Phất. Nghe tới Ngài thì có ai ngờ là để có cái tài thuyết phát tương đương với Đức Phật thì chính Ngài phải... tự thắng một cách cam go như thế nào!

Trong bài trích dẫn về chuyện ngủ gục của Ngài Mục Kiền Liên, nếu các Bạn đọc kỹ thì sẽ thấy cái đoạn giải thích rằng Ngài Mục Kiền Liên ngủ guc vì cái nóng oi ả của xứ Ấn Độ! Hiện tượng "lấy bụng ta, suy ra bụng người" là một trở ngại lớn nhất trên con đường tu hành. Với sự thông minh sẵn có, tu sĩ này dùng lý luận theo cái nhìn bình thường và giải thích rất là ngon lành, chẳng coi trước và xem sau gì cả.
Cái trở ngại này, Đức Phật gọi là "Thế Trí Biện Thông". Do "suy luận" nó nhảy vào và dùng sự nhận xét logic của nó để giải thích mọi sự việc. Tất nhiên, làm kiểu này thì kết quả sẽ là "gần đúng" và từ đó sẽ đẻ ra nhiều pháp môn "gần đúng". Do cái tình trạng na ná này mà Chánh Pháp bị tan tành đó là cái thảm họa lớn nhất! Còn cái thảm họa nhỏ hơn là khi hành giả nghe về "Vô Thường" thì cái "thế trí biện thông" nó nhảy vào và đưa ra hàng loạt kết luận: Vì tất cả là "Vô Thường" nên hiện tượng hiên nhiên là: Không có pháp nào để tu, không có quả vị nào để chứng!

Ngài Xá Lợi Phất bị cái cú này!
Khi Ngài quán đề mục thì vừa lúc đề mục xuất hiện mờ mờ thì "thế trí biện thông" nhảy tót vào và định nghĩa:
- - Cái này đâu có phải là quán mà chỉ là trí tưởng tượng mà thôi!
Và khi đề mục mới xuất hiện và chỉ là mờ mờ:
Thế trí biện thông lại xuất hiện:
- - Cái này đâu có phải là thấy, nếu mà là "thấy" thì nó phải là rõ như mình nhìn cái lá cây kia kìa! Cái này đúng là do tưởng tượng, nó chẳng có ăn nhập vào đâu cả! Và làm như vậy là... sai rồi!
Và Ngài làm bất cứ cách nào thì cái suy luận này cứ nhảy vào, rồi định nghiã! Ác một cái là nó tự cho nó điểm bằng cách nhận xét, phê bình này nọ luôn!
Không cần phải suy nghĩ dong dài! Ngài chỉ hét trong cái tâm của Ngài cái câu trứ danh:
"Tui không muốn thấy các sắc pháp này nữa! Vì tui biết còn có nhiều cảnh giới cao đẹp hơn, cũng như còn nhiều sự giải thoát cao hơn nữa! Tui còn rất nhiều việc phải làm!"


Với chiêu thức này, cùng với ngay lúc Ngài cảm nhận được sự hỷ lạc loan toả ra trong thân thể của Ngài khi Ngài chứng Sơ Thiền thì "thế trí biện thông" tạm thời lui binh.
Quật ngã Ngài không được, "thế trí biện thông" lui vào linh tính và làm cho Ngài có một trực giác rất là bén nhậy: Ngài thuyết pháp rất là trúng ý của Đức Phật Thích Ca. Đến độ, Đức Thế Tôn đã nhiều lần xác định rằng:
- - Nếu mà tui có nói cho mấy ông nghe thì cũng đến cở này là hết! Xá Lợi Phất đã trình bày không sót một chi tiết, mấy ông nên theo đó mà làm.

Và cứ thế, Ngài cứ một mạch sử dụng cái linh tính này.
Tuy nhiên, cái linh tính đâu phải lúc nào cũng đúng đâu!
Nếu nói về thuyết pháp thì Ngài Xá Lợi Phất siêu đẳng bao nhiêu thì ngược lại: Chuyện hướng dẫn những người khác tu hành, Ngài lại sơ hở bấy nhiêu.
Cũng ví cái linh tính này mà Ngài bị hố to!
Chuyện rằng:
[...]
Đến năm lên mười tám, nhân dịp một tư tưởng luyến ái phát sanh có liên quan đến thân hình đẹp đẽ của mình, Sa-di Rahula (La Hầu La) lại được nghe một bài Pháp thâm diệu về sự phát triển tinh thần. Ngày nọ thầy Sa-di theo Đức Phật trì bình. Phong độ oai nghiêm quý trọng của hai vị tu sĩ xem tựa hồ như thớt ngự tượng dõng dạc cùng đi với tượng con quý phái, như thiên nga của đức vua dắt con lội trên mặt hồ trong cung điện, như hổ chúa oai phong và hùm con lẫm liệt. Cả hai Ngài đều có thân hình đẹp đẽ, cả hai đều thuộc dòng mã thượng và vương tôn, cả hai đều từ ngai vàng cất bước ra đi. Trong lúc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn, Sa-di Rahula (La Hầu La) nghĩ rằng: "Ta cũng đẹp đẽ như Đức Thế Tôn, cha ta. Thân hình của Đức Phật vô cùng đẹp đẽ và thân hình ta cũng vậy. [16]"

Đức Phật đọc ngay tư tưởng bất thiện ấy. Đang đi, Ngài dừng chân, quay lại dạy như sau:
"Bất luận hình dáng đẹp đẽ hay xấu xa, hay thế nào đi nữa, cũng phải được quan sát như vầy: Cái này không phải của ta (N'etam mama); cái này không phải là ta (N'eso'ham' asami); cái này không phải là linh hồn của ta (Na me so atta) [17]"
Thầy Rahula cung kính bạch với Đức Phật có phải ta chỉ nên xem hình thể như thế ấy không. Đức Phật dạy rằng ta phải xem tất cả năm uẩn (khandha) [18] như thế ấy.
Sau khi nghe lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, Thầy Rahula xin phép không đi theo vào làng trì bình như mọi hôm. Thầy dừng lại dưới cội cây, ngồi tréo chân theo lối kiết già, thẳng mình và chú tâm hành thiền.

Đức Sariputta (Xá Lợi Phất), thầy tế độ của Sa-di Rahula (La Hầu La), lúc ấy không biết người đệ tử đang hành thiền về một đề mục mà Đức Phật vừa dạy, thấy thầy Rahula ngồi kiết già dưới cội cây thì khuyên nên chú tâm về pháp niệm hơi thở (Anapana Sati).
Sa di Rahula lấy làm phân vân khó xử bởi vì Đức Phật dạy một đề mục và vị thầy tế độ lại dạy một đề mục hành thiền khác.
[...]
Hết phần trích dẫn.
Thế là Ngài La Hầu La toát mồ hôi lạnh vì không biết tính sao?
Đây đều là hai sư phụ, nếu mà La Hầu La làm theo ý Ngài Xá Lợi Phất thì Ngài bị phạm lỗi là không thi hành lời khuyên của Đức Phật và ngược lại! Ngài bèn đi hỏi Đức Phật!
Cũng may La Hầu La là một Phật Tử đúng hiệu con nai tơ! (con ruột của Đức Phật, thì khi hỏi ba mình thì đâu có gì là ngại ngùng?), chớ nếu mà lại là một phật tử xoàn xoàn và do cái tính hay ngại ngùng khi đặt câu hỏi và rồi cứ ngồi đó nhắm mắt mà nghĩ tới chuyên đời thì hậu quả sẽ không biết ra sao!
Vì không có thể khai triển cái năng lực quán tưởng (còn gọi là: Thực hành chánh định trên một đề mục) nên Ngài Xá Lợi Phất đã không có đủ phương tiện để độ những đệ tử của mình lên Tu Đà Hàm được! Mà Ngài chỉ dừng lại ở trạng thái "Nhập Lưu" hay là Tu Đà Hường mà thôi. Trong khi đó thì Ngài Mục Kiền Liên là độ cho tới A La Hán luôn.
Kết Luận:
Bài này tới đây là hết. 
Nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ hết được! Vì mỗi hành giả là một sự đặc biệt. 
Tuy nhiên, có thể tự mò ra những khiếm khuyết của mình qua những ví dụ trên. 
Vì thật ra, là ít có ai mà không bị pha trộn lắm!
Thông thường là "Hành giả Thế Trí Biện Thông" lại rất là nhiều. 
Còn những trường hợp đặc biệt như là hành giả Thiên Ma thì đệ chưa có gặp ai cả.
Hết.