Tu Tịnh Độ


Mời các bạn cùng với Thằng ngọng tôi xuống Bảo lộc (cách Đà lạt khoảng 100 cây số) dự một đám cưới chưa từng có trong lịch sử. Anh em Đà lạt đã cố gắng bỏ thời giờ xuống tổ chức một đám cưới tại vùng kinh tế mới Lộc Ngãi. Vùng này được đặt tên theo hai chữ cuối của hai địa danh: Bảo Lộc và Quảng Ngãi.

Dân chúng được dời từ Quảng Ngãi vào đây vào năm 1975-1976. Họ chịu khó trồng trọt và khai phá rừng với những dụng cụ canh nông thô sơ như: dao, rựa được rèn từ mảnh bom, đạn pháo kích. Họ chỉ canh tác vào mùa mưa. Mùa nắng, họ vào rừng thồ củi bằng xe đạp ra Bảo Lộc bán. Đi và về gần 60 cây số để chạy gạo hàng ngày. Đôi khi được hên, nếu có người bán hết sớm, thì họ lại chạy ngay vào rừng lại để đi chuyến thứ hai. Như vậy trong điều kiện trên họ có thể đi bộ và đi xe đạp cả trăm cây số để kiếm sống qua ngày. Và phải làm bảy ngày trong tuần... Ngừng lại là chết đói liền, chẳng may bị bịnh là coi như tiêu. Ngày qua ngày, họ đã có thể thoải mái đôi chút tới khi anh em từ Đà lạt xuống để tổ chức đám cưới cho anh Đ. Ông sui là một tay anh chị khét tiếng ở Quảng Ngãi. Tuy là trẻ tuổi nhất trong nhóm bô lão nhưng lại là người cầm đầu. Có chuyện gì mà kêu ổng là xong ngay.

Thằng ngọng tôi vừa mới xuống là được ổng đề nghị:
- Tôi không biết ông là ai, nhưng nếu ông muốn thì tôi có năm chỉ vàng đây, ông ở lại đây tôi mua miếng đất kế bên, con cái tôi sẽ lo buôn bán. Ông chỉ lo vấn đề tu hành thôi, khỏi lo đời sống. Ông thấy thế nào?
Thằng ngọng tôi chới với trước đề nghị thẳng thắn đó:
- Dạ thưa Bác, con còn vợ và hai đứa nhỏ nữa. Riêng con thì có thể được, nhưng phải thông qua ý của nội tướng đã.
- Chú mầy nói đúng đó, cái gì cũng phải có vợ có chồng mới nên.
Đó là hai câu độc nhất có liên quan đến đời sống, sau đó là đủ thứ câu hỏi về phương pháp tu hành... Và không biết bao nhiêu là cái tại sao. Có những cái tại sao rất hay:
- Tại sao tôi thấy cái này cái nọ mà người khác không thấy?
- Tại sao tôi mơ thì lại rất đúng sự thật mà người khác lại không?
- Bao giờ mình biết đã tu xong rồi?
- Tại sao tôi thấy tôi bay và có thể đi đây, đi đó khi tôi ngủ. Cái gì bay?
- Tại sao người ta tu lại bị khùng?
- Thầy của ông ù (họ thường gọi tôi là như vậy) là ai?
- Chơi bùa, chơi ngải với cái này khác nhau như thế nào?
- Tại sao người ta lên đồng lên bóng?
- Tại sao họ học thần quyền, cái gì làm cho họ múa võ?
Mỗi câu hỏi đều được trả lời chính xác và rõ ràng, nếu có thể Thằng ngọng tôi đều dẫn chứng cụ thể.

Câu chuyện rất sôi động cho tới lúc có tiếng thông báo của đám trẻ em:
- Anh Ba về, anh Ba về.
Khi nghe đến đó, trong tâm Thằng ngọng tôi dâng lên một
 nổi vui mừng không tả được! 
- À! Đây rồi!
Chỉ có một mình tôi là nhận ra người bạn cố tri từ ngàn xưa. Còn bây giờ, Anh mỉm cười nhìn tôi dưới ánh đèn dầu mờ ảo mà không nhớ được gì cả. Tôi xúc động, cắt ngang câu chuyện đang dở dang:
- Ông muốn chơi trò chơi này không?
Ba Danh trả lời rất nhỏ và rõ:
- Tội chó gì mà không chơi?
Thằng ngọng tôi nói rất là lựu đạn:
Ông mà chịu chơi thì tôi chịu chơi với Ông. Tụi mình sống chết có nhau, Ông ráng tập cho xong và hướng dẫn họ nghe, ôkê?
– Okê.

Và câu chuyện tiếp diễn vui vẻ và sôi động. Đám trẻ em ngồi chầu rìa. Người lớn tuổi im lặng nghe. Có người đồng ý, có người không.
- Ai không đồng ý hay không hiểu thì hỏi thoải mái. Hỏi cho tới khi nào vừa ý mình thì thôi. Ai muốn hỏi mà không dám phát biểu, cứ nói với người kế bên, rồi yêu cầu người kế bên nói to lên cho anh em nghe. Khi đang nghe nói chuyện, có điều gì không hiểu, cứ cắt ngang câu chuyện mà hỏi ngay. Nếu không anh em sẽ quên đi uổng lắm.

Con xin nói lại cho rõ là: Tất cả các câu hỏi đều phát xuất từ sự thắc mắc, muốn hiểu biết. Nên không có vấn đề phiền hà ai hết.
Được khuyến khích, họ hỏi lung tung, hôm đó Thằng ngọng tôi trả lời muốn khùng luôn... Cho tới gần sáng, Thằng ngọng tôi mới yêu cầu lên nhà Ba Danh để đi ngủ. Thì nguyên cả anh em trong nhóm của Ba Danh đi theo không ai chịu về nhà cả, còn những người lớn đi về, ra điều không bằng lòng cho lắm.

Thằng ngọng tôi thấy một điều: Hình như anh em ở đây họ không biết mệt hay sao đó. Nhà Ba Danh rộng có gác do chính tay Ba Danh cất bằng cách vào rừng cưa gỗ từng cái cột, từng miếng ván thồ bằng xe đạp về. Gia đình gồm một vợ và một đứa con gái nhỏ. Theo nguyên tắc nói chuyện đạo, người tới trễ sẽ được anh em nói lại nên Thằng ngọng tôi lại một lần nữa tóm tắt lại tất cả những câu hỏi cho anh em nghe.

- Tại sao tôi thấy cái này cái nọ mà người khác không thấy?

Có năm trường hợp thấy:
1. Nằm mơ thấy tầm bậy tầm bạ không đúng sự thật.
2. Nằm mơ thấy gần đúng và đúng sự thật.
3. Khi tập thì thấy tùm lum, nhiều hình ảnh lẫn lộn, không có chủ đích và chủ đề.
4. Lúc tập thì thấy rất rõ và đúng sự thật, lúc không tập thì không thấy gì cả.
5. Muốn thấy thì thấy, không muốn thì thôi.

Phân tích cặn kẽ hai trường hợp đầu tiên (1.,2.) chúng ta thấy rằng: Trong điều kiện vô minh, con người có hai phần: Phần xác và phần hồn. Linh hồn là một thể xác khác ở dạng khí nên mắt thường ít khi thấy được. Thể xác đặc biệt này đôi lúc cũng trang phục như người thường... Đôi lúc, linh hồn cũng có thể thấy được sinh hoạt quanh cảnh giới mình: Do thường suy nghĩ và hành động đê hèn như giành giật, chèn ép, cướp của, giết người, tóm lại sống một cách tiểu nhân thì khi ngủ do định luật cộng hưởng hay đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Thể xác không bao giờ yên ổn đó có rất nhiều cơ hội để cho linh hồn tiếp xúc với các cảnh giới thấp nên thường có ác mộng y như Thằng ngọng tôi cũng đã từng bị một thời gian rất dài.


Khi chúng ta ngủ, linh hồn đi đây đi đó có khi bà Rá nhập ông Địa linh hồn nhờ có một ít thanh tịnh lại lọt vào được các cảnh thiền nên có thể thấy được một ít sự thật ở một tương lai gần. Vì còn vô minh, không tự chủ được, nên chỉ có thể thấy một chút gì đó mà thôi. Và trước khi thể xác tỉnh lại, hệ thần kinh dịch lại các hình ảnh do linh hồn thấy được.

Có hai trường hợp xảy ra:
1. Do sinh hoạt hàng ngày quá náo nhiệt, quá căng thẳng, thần kinh bị giao động, không thanh tịnh nên đã dịch sai sự thật, kết quả là: Không thể thấy đúng được. Bởi vậy tất cả tôn giáo lớn đều khởi bằng cách khuyên người ta nên làm việc thiện như: Bố thí...

2. Do suy nghĩ lành, ít bon chen, ít chửi lộn, ít nói bậy, ít bàn chuyện người, và nhất là ít hay không hề nghĩ ác... Thần kinh ít bị giao động nên có thể dịch lại rất đúng và do đó có thể thấy sự thật. Bởi vậy tất cả tôn giáo lớn đều khởi bằng cách khuyên người ta nên làm việc thiện như: Bố thí... Trì giới... Tinh tấn... Thiền định... Trí tuệ. Lại tiếp tục phân tích ba trường hợp cuối (3.4.5.), chúng ta thấy đây là những cái đặc biệt của tu sĩ mà người thường ít khi có được: Khi họ tập thì họ thấy một cái gì đó. Trường hợp (3) là cái thấy của Cận định (hoàn toàn do ảo giác chi phối nên không dùng được).

Cái gì cho họ thấy? Cơ chế hoạt động của cái thấy ra làm sao? Cái thấy đúng (khi tu sĩ giữ đúng giới luật, nếu không sẽ bị ma nhập hay ma cho thấy.) nằm ở trung tâm năng lực Ajna, y như một màn ảnh tivi. Các trung tâm năng lực khác đều là những máy chiếu phim. Do đó nếu được tập đúng, ta thấy rằng: Từ Chư thiên Sơ thiền đến Tứ thiền, tu sĩ thấy ngang tầm nhìn. Từ Tha hóa tự tại trở xuống A-tỳ địa ngục tu sĩ lại thấy có một độ dốc âm càng lúc càng sâu so với tầm nhìn ngang. Dĩ nhiên đối với chư Phật hay chư Bồ Tát thì chúng ta như phải hơi ngước lên để nhìn vì lúc đó trung tâm Nghìn cánh hoa sen (thứ 7) chiếu phim cho trung tâm Ajna (thứ 6) coi.
Chúng ta nên thận trọng khi thí nghiệm và sử dụng các trung tâm năng lực vì chỉ cần sai một tý thôi, chúng ta sẽ mất đi rất nhiều thời gian để phục hồi lại hoạt động các trung tâm đó. Có lúc phải mất đi cả chục kiếp, để trả giá sự sai lầm của mình... Nên một lần nữa, Thằng ngọng tôi với tất cả sự thành tâm và thành thật cố gắng nhắc lại một lần nữa: Đừng nên thí nghiệm và cho chạy hay tập mở tầm bậy tầm bạ (theo cách suy luận đầy vô minh của mình, theo các sách vở hay theo mấy ông thầy dỏm) các trung tâm năng lực mà không có người có nghề (đã đắc pháp) ở kế bên...

Vì mỗi cá nhân đều là một trường hợp đặc biệt, không thể lấy cái chung mà áp dụng cho mình được. Ví dụ như ứng với người này trước khi khai mở, ông Thầy phải cho họ làm việc thiện bằng cách đào 50 cái giếng cho dân địa phương. Ứng với người kia, Ông Thầy lại phải chửi mắng như con chó, có khi tệ hơn nữa: Ông đánh đập và đày đọa họ thật đau khổ trước khi tập khai mở. Có người, ông Thầy phải lập nguyên một lâu đài bằng vàng... Có người ông Thầy phải ngủ chung với họ... Có nhiều người, ông Thầy phải đến nhà ăn cơm... Có nhiều người, Ông Thầy phải đem một người đã tu thành công đến nhà... Có những người phải dùng âm thanh (Thần chú) để khai mở... Có những người, ông Thầy phải dùng hình ảnh quán tưởng để tập khai mở... Vậy thì với cách nào mình có thể khai mở được đây? Tốt nhất nên thận trọng, nên nhớ rằng nếu mình tu giỏi thì họ sẽ tới chỉ cho mình, không lo gì hết. Đó là kinh nghiệm của Thằng ngọng tôi....
Bao giờ mình biết là tu đã xong?
Đối với đạo Phật, chúng ta phải đầu tư vào sự Giải thoát. Và chúng ta phải đi đúng hướng. Cung cách tu của chúng ta, là một phương pháp tu hành có sau khi Phật Thích Ca đã biểu diễn nhập Niết bàn. Và nếu chúng ta có nghiên cứu các kinh sách, chúng ta nên để ý đến Bốn điều đối chiếu mà Phật Thích Ca đã lo xa và có giảng cho các tu sĩ thời bấy giờ. Phật dặn rằng: Sau này, khi tôi nhập diệt, sẽ có rất nhiều phương cách tu hành, hay các lý luận khác nhau được nói lên do các tu sĩ lão thành, các Thầy trù trì các chùa lớn, hay được tuyên xưng do một hay nhiều nhóm đông đảo những người tự nhận là được chân truyền từ hoá thân của một đức Phật... Thì các ông đừng coi thường, hay cũng đừng bỏ qua một bên, mà hãy đem kinh sách ra so sánh kỹ lưỡng, so sánh từng câu, từng chữ. So sánh từng đoạn, từng chương coi những chữ và những đoạn văn đó, hay những lời lý luận đó có đúng với Kinh, Luật, Luận mà tôi đã nói qua không? Nếu những chữ, đoạn văn, những chương đó không đúng y như trong Kinh, Luật, Luận thì các ông biết rằng: Đó không phải là lời Phật. Các ông nên bỏ qua một bên.

Còn nếu sau khi so sánh kỹ lưỡng, so sánh từng câu, từng chữ. So sánh từng đoạn, từng chương coi những chữ và những đoạn văn đó, hay những lời lý luận đó đúng với ý Kinh, Luật, Luận thì các ông biết rằng: Đây hẳn phải là lời của Phật. Và các ông cứ y theo đó mà làm.

Y cứ vào lời nói bất hủ trên, chúng ta nên thận trọng khi lựa chọn một phương pháp tu hành. Vả lại, nếu chúng ta để ý tới lúc Phật Thích Ca nhập diệt, Anan đã được một vị A la hán dùng Pháp nhãn tường thuật lại kỹ lưỡng công thức nhập Niết bàn như sau:

... Thầy đang nhập Sơ thiền... Xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền... Xuất Nhị thiền, nhập Tam thiền... Xuất Tam thiền, nhập Tứ thiền... Xuất Tứ thiền, nhập Không vô biên xứ... Xuất Không vô biên xứ, nhập Thức vô biên xứ... Xuất Thức vô biên xứ, nhập Vô sở hữu xứ... Xuất Vô sở hữu xứ, nhập Phi phi tưởng xứ... Xuất Phi phi tưởng xứ, nhập Diệt thọ tưởng định... Xuất Diệt thọ tưởng định, nhập Phi phi tưởng định... Xuất Phi phi tưởng định, nhập Vô sở hữu Định... Xuất Vô sở hữu định, nhập Thức vô biên định... Xuất Thức vô biên định, nhập Không vô biên định... Xuất Không vô biên định, nhập Tứ thiền... Xuất Tứ thiền, nhập Tam thiền... Xuất Tam thiền, nhập Nhị thiền... Xuất Nhị thiền, nhập Sơ thiền... Xuất Sơ thiền, nhập Nhị thiền... Xuất Nhị thiền, nhập Tam thiền... Xuất Tam thiền, nhập Tứ thiền... Xuất Tứ thiền... Thầy liền nhập diệt.

Theo ý Thằng ngọng tôi, đây là một phương pháp độc nhất để thành Phật. Nếu có một cách nào khác để thành Phật hay hơn thì Thằng ngọng tôi nghĩ rằng: Phật Thích Ca chỉ là một tên điếm mà thôi. Vì ổng không nhiệt tình chỉ dạy chúng ta.
Và nếu thật có một cách khác để thành Phật mau hơn thì tất cả các kinh sách mà Phật đã cố gắng hết sức giảng dạy cho ta trong vòng 49 năm trời đều không có giá trị và Phật Thích Ca không phải là chơn sư. Lúc đó chúng ta có quyền chửi và coi thường ổng như là một tên giấu nghề... Và nếu thật có một phương pháp nào hay hơn để thành Phật thì Thằng ngọng tôi xin những người đã đắc pháp đó rằng: Ông đã thành Phật chưa? Nếu rồi thì Ông đã biết gì về phương pháp này? Nếu rằng: Ông chưa biết thì không đúng, vì nhờ vào phương pháp của Ông mà Ông đã được nhất tâm bất loạn thì Ông phải biết phương pháp này. Vì chỉ khi thành Phật mới nhất tâm bất loạn mà thôi, vả lại Phật là Đại giác là cái gì cũng biết... Hay là Ông cũng là hội viên của những đám người tụ họp lại, ăn nhậu, uống trà, miệng cười ha hả, nói chuyện Thiền: Tức tâm thành Phật, Đối cảnh nhất định không có sinh tình, Tuỳ duyên bất biến, Thường lạc ngã tịnh... Mới nhìn qua thì có vẻ như là đã giải thoát rồi. Nhưng nhìn kỹ lên bàn thờ, thì: Ông nội làm chó trong nhà... Bà nội làm gà đãi khách... Ông cậu là ma đói lang thang không nhà không cửa... Còn Ông thì lại vô minh u tối mà lại hễ mở miệng ra là: Phê bình người này, chê bai người kia, cho rằng ai cũng tà chỉ có ta là chính đạo... Đó là chuyện phương pháp tu. 


Tiếp đến là chuyện: Làm sao biết mình tu đã xong? Đối với Thằng ngọng tôi, khi vừa vào Diệt thọ tưởng định thì một tư tưởng đi xuyên qua đầu Thằng ngọng tôi như sau: 
“Tu đã xong, tập đã thành, tôi làm việc tôi làm”. Dĩ nhiên, trước cái hôm đó, Thằng ngọng tôi lúc nào cũng nghi ngờ: Không biết, mình có thật đúng là đang đi trên con đường thành Phật không? Lúc nào cũng hoang mang cho tới lúc và sau thời điểm vào được Diệt thọ tưởng định thì mới hoàn toàn dứt... Vì vậy Thằng ngọng tôi, cũng không lấy làm lạ khi các ông nghi ngờ phương pháp này... Nhưng nếu có nghi ngờ thì hãy nghi ngờ tích cực có nghĩa là tu thử xem có ép phê không? Nếu chỉ nghi ngờ suông thì tội quá! Ngồi đó mà bàn thì không biết khi nào mới xong?...

- Tại sao tôi thấy tôi bay, cái gì bay?

Do bị bịnh tim, hay mơ thấy mình bay. Do tu xuất hồn, cũng có thể thấy mình bay. Nhưng tu như vậy mất nhiều thì giờ. Vì tự ái được thỏa mãn nên không còn nghĩ đến chuyện giải thoát nữa. Vậy, chúng ta bị chậm trễ vì: Đó là cách tu của chư tiên... Nguyên tắc là không cho xuất hồn một cách tự tiện, bằng cách tập “hộ thân”, việc này rất thường xảy ra khi tu sĩ tới Tam thiền... (Xem kỹ lại phương pháp Hộ thân có nói rất rõ ở phần bàn về cách tu)

- Tại sao người ta tu lại bị khùng? 

Trong kinh Phật, Thằng ngọng tôi không hề thấy có chữ: Tẩu hỏa nhập ma, không hề thấy có câu: Coi chừng bị khùng khi tu đến đây... Đó là một vấn đề then chốt mà ít ai để ý đến. Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy: Có người bị khùng trong giới tu sĩ. Như vậy, thực tế và lý thuyết không ăn khớp nhau. Thằng ngọng tôi đã từng hỏi nhiều tu sĩ nhưng không được giải đáp thỏa đáng. Vì thế, thằng ngọng tôi không ngạc nhiên khi có một số rất đông người cho rằng: Coi chừng bị khùng khi tu đạo Phật! Một số lại cho rằng: Thực tế chúng tôi không thấy ai đắc đạo sau đức Phật Thích Ca. Nên chúng tôi muốn lắm, mà thật sự chúng tôi không biết cách nào để tu thành cả!... Thật ra, không có gì huyền bí hay khó khăn trong vấn đề trên: Nếu chúng ta để ý và đọc kỹ lưỡng vài tập kinh, chúng ta sẽ thấy rằng: Tất cả các kinh của tất cả các đạo đều nói: Làm lành tránh dữ. Kẻ nào cho tất cả sẽ nhận được tất cả. Kẻ nào làm chủ được tư tưởng sẽ làm chủ được tất cả... Đó là con đường độc nhất để tiến tới con đường Giải thoát. Ngặt vì, chúng ta không được chuẩn bị kỹ càng để đi trên con đường đó:

- Chúng ta chưa làm một việc thiện nào, cũng chưa tập luyện nhường nhịn, hay chẳng chịu nhìn nhận mình cũng có một phần sai lầm trong vấn đề cãi vã đó mà chỉ lo kết tội người, hay chỉ muốn người đối diện sửa đổi mà không nhìn vào những khuyết điểm của mình. Nhất là chỉ lo thủ lợi: “Chết sống mặc bây”...
Đùng một cái, nghe nói có thể thành Phật được. Thế là “a lê hấp” nhào vô tu chụp giật (vì quen thói làm ăn)... tu liền, tu ẩu tả... (số này rất đông). Sau một thời gian thử lửa, một số bỏ cuộc. Một số tu không được mà làm như đã tu xong: Đi sắm đồ sắm đạt để lừa người nhẹ dạ. Một số bị A-tu-la nhập: Lên đồng, lên bóng... Tại sao? Tâm anh đầy ác ý, bỏn xẻn, đầy tư lợi... Làm sao anh có thể tu thành công được. Vì nó ngược hoàn toàn với con đường đạo, vốn chỉ chấp nhận những ai có tâm hướng về từ bi, hỷ xả... Y như lấy lỗ vuông mà đúc ống tròn! May là không được gì cả, và cũng may mà anh bỏ cuộc. Nếu anh cố mà gắn nó vào thì nó sẽ phá nát cái tâm bẩn thỉu trên. Bằng chứng: Có người, do chịu không nổi phản ứng phụ, đã bị khùng.

Lại có người khởi tu bằng ý tưởng tượng tự như: Ta mà thành công thì ta sẽ trừng phạt bọn bây hết, Ta mà thành Phật thì chết mấy tụi bây... Họ sẽ được gì? Thằng ngọng tôi thấy rằng: “Định luật cộng hưởng” hay “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” ảnh hưởng rất lớn đối với chúng ta. Ví dụ như: Tôi không biết anh là ai, nhưng hãy cho tôi biết người bạn thân của anh thì tôi sẽ biết anh là ai. Với một tư tưởng thô bạo (đầy sân hận) như trên, tất nhiên anh không có cơ hội để gặp được một phương pháp tu đứng đắn (vì Định luật cộng hưởng) mà thường anh lại gặp những phương pháp tu của A tu la như: (Thần quyền, Tâm linh, Vạn thiên giới linh, Năm ông, Ngũ hành, các loại bùa Miên, Bát tinh, Thất sơn, Phật quyền...)

Do vậy, nếu khởi tu với một tư tưởng lành thì anh có thể có cơ duyên được gặp một phương pháp tu đứng đắn được. Tư tưởng lành nhất anh có thể tự kiểm soát được là sự “Hiếu thảo”: Coi cha mẹ là trên hết, quyết định đứng đắn của cha mẹ được tôn trọng cho đến cùng. Cha mẹ nói đúng là mình làm liền, vì coi cha mẹ là tối thắng nên ý của cha mẹ nhiều lúc không phải ý của mình thì phần đông mình cũng phải làm cho được luôn mới thôi.

Như vậy, Thằng ngọng tôi bật mí cho anh biết rằng sở dĩ Phật không nói đến vấn đề tẩu hỏa nhập ma là vì: Tât cả những tu sĩ thời bấy giờ, theo Phật tu hành, đều là những người cực kỳ “hiếu thảo”. Đó là điều kiện an toàn mà chỉ có đạo Phật mới đề cập đến: 
Gặp thời không có Phật, về nhà thờ cha mẹ tức là thờ Phật... Câu đơn giản như vậy mà hình như ít ai hiểu hết được ý sâu xa của đức Phật muốn ở chúng ta cái gì? Càng tu cao Thằng ngọng tôi càng mến Ổng thành thật mà nói là như vậy... Còn anh thì sao?

Chơi bùa, chơi ngải với cái này khác nhau như thế nào?

Có hai quan niệm muốn thành siêu nhân.
Thật vậy, khi phát tâm tu hành là mình muốn thành: Phật hay Thầy của Trời và Người, như vậy không phải là siêu nhân là gì?
Khi đi học, trong một lớp chỉ có vài người học giỏi, lên đến Trung học có một số bỏ cuộc, một số tiếp tục học. Đến Đại học, số bỏ cuộc lại rất đông, một số rất ít lại tiếp tục đi học. Khi ra trường: Không còn bao nhiêu người, một số rất ít lại thành Tiến sĩ, và trong thiểu số đó, một hay hai người thành Bác học! Đối với chúng ta: Bác học là một dạng siêu nhân.

Còn đối với Phật giáo:
Bác học chỉ là vườn trẻ, không có ký lô nào!
Nói đây để chúng ta thấy rằng: Làm Bác học đã là khó, thì thành Phật lại càng khó...
Tu lơ mơ là thành: Ma, Quỷ, Tiên, A tu la... hồi nào không biết!
Nên giáo lý phải cần học là vậy.

Ví dụ:
Tam Tôn là Phật, Pháp, Tăng chớ không phải là Tinh, khí, thần; Kim cang pháp thân có thể được khi: Tu sĩ có Hộ pháp là Kim cang vương và phá được công án Chấp kim cang (cùng với hộ pháp quăng chày vào ngay đầu của Tỳ lô Giá Na) chớ không phải là linh hồn; Phản bổn hoàn nguyên là khi phá được công án Năm ông nhập một (cùng với Phật A di đà, Quan âm, Kim cang vương, và tu sĩ bay vào Tỳ lô Giá Na khi năm chày gặp nhau tạo nên tiếng nổ Subham) chớ không phải là dùng sự di chuyển của những hào âm dương trong quẻ Hỏa thủy vị tế để biến thành quẻ Thiên địa bĩ. Nói ra để thấy cái khó của vấn đề tu hành trong dòng pháp Kim cang (Vajrayana) trên con đường thành Phật.

Vì quá khó, và cũng vì quá ham thành siêu nhân nên đã có người cầu nguyện với một khởi tâm thô bạo như đã nói trên (trang 12) và họ đã vô tình câu nhiếp với các hệ thống của thế giới A-tu-la (đại diện cho sự thô bạo), tạo nên các phương pháp tu hành như luyện ngải, luyện bùa, mà hậu quả rất tai hại.
Nếu nói rằng trong y khoa có rất nhiều bịnh truyền nhiễm, thì trên con đường thành Phật, ta cũng có những Pháp môn thấp kém có những tính lây truyền với những hậu quả tai hại không thể lường được.

Công thức chung của các pháp môn trên là:
Lập bàn thờ gồm 5 trái cây, đốt 5 cây nhang, rót 5 ly nước...
Sư huynh nói người nhập môn đọc một câu thần chú cầu xin các tổ về và có khi mấy ổng nhập liền: Thân thể tự nhiên cử động, rồi sau đó đánh võ, hay ban đêm xuất hồn theo các ông tiên học thuyết âm dương, chữa bệnh... Có pháp môn, trong đó, Sư huynh nói sư đệ lè lưỡi ra và lấy dao cạo cắt thử nếu không đứt thì chắc chắn là chính pháp... Tuy rằng khi mới nhập môn họ có nói đây là pháp môn của đạo Phật. Nhưng đối với người biết chút ít lý thuyết về đạo Phật thì không có cái gì của ông Phật ở trong đó cả: Họ học và luyện đủ thứ: Án nhãn, tàng hình, đánh võ, tập gồng, luyện bùa, luyện ngải... Nếu áp dụng vào Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, chúng ta thấy ngay họ học những trò đó để làm gì? Thằng ngọng tôi không thấy mùi vị Giải thoát nào trong đó cả!

Mặt khác:
Kiêng cữ vọng niệm không lo! Lo kiêng cữ khế, thịt chó, thịt trâu.
Giữ gìn vọng ngữ không lo! Lo không được chui qua dây phơi đồ.
Luyện tập để được Vô Ngã không lo! Lo luyện bùa ngải, lấy đồ trong chiều ảo... Kể cả pháp môn của các Tổ thiền, họ cho rằng quá chậm! Chậm mà người ta lên Niết bàn, còn các anh lẹ mà sau đó thì: Nếu là nam thì bị mù, còn nữ thì bị điên!
Sư tổ của họ nhận thấy: Một số rất đông các đệ tử tập luyện siêng năng. Khi về già, nếu không bị bịnh nặng (bại liệt, mù) thì cũng không thoát khỏi nạn bị điên... Lần lược các sư huynh của sư tổ và sau cùng, sư tổ cũng không thoát khỏi tình trạng thê thảm trên.

Nên mới đẻ ra nội quy có năm điều luật đại ý như sau:

  1. Không lừa Thầy, phản bạn.
   2. Không hiếp vợ người.
   3. Giúp người cô thế.
   4. Bênh vực lẽ phải.
   5. Nếu phạm giới thì: Nam sẽ bị mù, Nữ sẽ bị điên.

Thằng ngọng tôi thấy rằng những điều (1,2,3,4,) có thể khác nhau. Nhưng chắc chắn điều (5) là phải giống nhau. Đó là dấu hiệu nhận nhau của hầu hết các pháp môn thấp kém đó. Có bạn hỏi: Tại sao họ bị như vậy khi tập luyện một cách siêng năng? Thằng ngọng tôi xin thưa rằng: Sở dĩ chỉ có người luyện tập siêng năng mới bị thôi. Là vì khi họ tập rất nhiều một cách siêng năng, các Điện thần nhân hay A tu la nhập vào, xuất ra liên tục làm hư hao hay rách nát thể phách, nên khi về già hay khi bịnh thật nặng, tinh khí không được bảo tồn nữa. Và có thể xuất ra dầm dề không cách gì mà cản được cả.
Tinh khí có hai đường để xuất:
1. Tinh biến thành khí, xuất ra đầu: Bị khùng, bất luận người đó là Nam, hay Nữ.
2. Tinh khí xuất ra dầm dề theo đường sinh dục: Bịnh rất nặng, có thể bị liệt, hay mù...

Ngoài mình ra, không ai có lỗi cả, chỉ tại mình quá muốn làm siêu nhân mà quên điều tâm (cố gắng hết sức sống thật hiếu thảo). Còn rất nhiều câu hỏi khác nhưng lại thuộc về từng cá nhân một, nên Thằng ngọng tôi không thể nói ra… Chúng tôi ngồi nói chuyện như vậy đến lúc trời sáng... và chúng tôi tổ chức đám cưới. Một đám cưới, trong đó Cô dâu và Chú rễ hoàn toàn đóng vai phụ, chẳng ai chú ý đến họ, vì tất cả đều thích nghe chuyện đạo hơn...
Có một câu hỏi của Cậu Sáu là đáng chú ý nhất.

- Hôm qua, không có tôi tới nghe cậu nói chuyện. Nhưng tôi có nghe đám trẻ nói lại rằng: Cậu kêu Đức Phật bằng Anh hay Ổng tôi thấy sao sao đó.
Và cậu đổi giọng:

- Nè cậu, Cha mẹ tôi thờ Phật, tôi thờ Phật, tụi tôi già hơn cậu, tụi tôi đâu dám kêu Đức Phật như cậu kêu đâu, nếu cậu kêu như vậy thì cậu leo lên bàn thờ, cho tụi tôi thờ luôn đi cho tiện!

Thằng ngọng tôi, chậm rãi thưa lại:
- Cám ơn Cậu đã lắng nghe và có suy nghĩ về lời nói của con. Theo con nghĩ, trước khi mình thực hiện bất cứ công trình nào thì mình nên hơi coi thường nó một chút. Nếu không, chính vấn đề “thần tượng hóa” đó sẽ cản mình, nên đây cũng là một lý do: Tại sao, người ta không thành công trong Phật giáo. Muốn thành công bất cứ cái gì, đầu tiên, mình bắt buộc phải theo một phương pháp mà đã có người thành công.
Ở đây là Tịnh độ, Thiền định và Mật tông. Mình nên lập tâm hay lập chí như sau: Họ làm được, mình làm được. Ăn thua nhau phương pháp thôi! Bây giờ mình đã biết cách rồi. Chỉ có làm, không nói nữa!

Vậy, muốn thành Phật, mình nên hơi coi thường ổng một chút, nên đưa ổng xuống ngang tầm với mình, đừng vội cho ổng phóng hào quang. Thật ra, ổng đã từng đi chân không, và xin ăn như mình. Cũng có khi, vào nhà gặp tên cà chớn thì ổng cũng bị đập hay chửi y như mình. Đối với bạn bè, ổng đã từng khốn khổ khi nói chuyện giác ngộ. Vì lúc đó ổng chỉ mới ba mươi mấy tuổi, ai mà nghe ổng.

Biết rằng Phật giáo không quan niệm: Có một Thượng đế toàn năng (gì cũng làm được) và toàn trị. Trong khi, các đạo khác lại cho rằng: Có một Thượng đế toàn năng thống trị muôn loài...

Điều quan trọng nhất, mình không làm cho ổng mang tiếng, khi mình vô tình tôn sùng và đưa ổng vào vị trí độc tôn của một Thượng đế. Nếu mình làm vậy: Không khác gì mình chụp mũ ổng câu: Đả đảo tất cả! Và hoan hô tôi! Vốn là điều mà Phật giáo tối kỵ. Vả lại, về toàn năng và toàn tri: Phật giáo nói rằng có một khả năng đạt được toàn tri (gì cũng biết) và không có khả năng đi tới toàn năng. Vì rất dễ hiểu: Nếu đã là toàn năng thì chắc chắn bây giờ không còn nạn Vô-minh nữa và có lẽ Cậu và con đã thành Phật lâu rồi... Và tất nhiên, nếu phủ nhận tất cả sự giúp đỡ của các Bồ Tát, lại cũng không đúng. Về vấn đề tế nhị này: Chúng ta vẫn nhận sự giúp đỡ đầy tỉnh giác và kịch tính của họ, và để thành công, chúng ta cần có phần cố gắng cá nhân nữa...

Đừng quên rằng: 
Hãy tự giúp, Thượng đế sẽ giúp anh!
- Thằng này, nhỏ mà ngon! Vậy thì tôi phải tập gì?
- Tịnh độ!
- Tôi thường niệm Phật trước khi đi ngủ cả chục năm nay rồi! Cũng có kết quả nhưng chưa rõ lắm. Chú mầy có ý kiến gì về vấn đề này?

- Trước khi vào vấn đề, Thằng ngọng tôi muốn nói lại một vài định nghĩa quan trọng mà người theo con đường Giải thoát phải biết rõ ý của Phật khi dùng những chữ đó.

Vô minh: (Thường được nói qua đầu môi chót lưỡi nhưng ít ai chịu suy nghĩ kỹ về nó) Là một tình trạng không có kinh nghiệm về một vấn đề nào đó. Nên khi cố gắng trình bày về vấn đề đó: Người ta gặp khó khăn vô cùng vì lúc nào cũng bị hiểu lầm. Ví dụ: Vào cuối thế kỷ thứ 19, có một ông quan qua Pháp và về Việt Nam. Ông được Vua cho phép tường thuật lại những gì mắt thấy tai nghe khi qua xứ người. Ông quan bối rối không biết nói làm sao cho người trong nước hiểu rằng: Có một ngọn đèn cháy được khi treo lộn đầu, và đặc biệt không cần dầu! Và một chiếc xe chạy được bằng hơi nước, mà không cần ngựa kéo... Có lẽ ông quan khốn khổ đó, đã cố gắng hết sức giải thích dài dòng trong buổi họp nhưng cuối cùng không ai hiểu gì cả.
Sau đó, nghe nói ông Vua vô minh kia đã sai quân lính lấy một ngọn đèn dầu, đốt lên, và lộn ngược xuống: Bá quan văn võ thấy đèn tắt ngấm và dầu thì đổ thành vũng... Ai nấy cười xòa, Vua vô minh kia cũng cười và còn tuyên bố tha tội khi quân cho ông quan đó...

Mà không biết rằng: Ông cùng bá quan văn võ đều là những người vô minh khi nghe ông quan trên cố gắng mô tả bóng đèn điện và xe chạy bằng hơi nước rất thịnh hành lúc bấy giờ ở ngoại quốc. Không những vậy, Ông còn dùng cái hiểu biết thô thiển của mình, để bác bỏ câu chuyện có thật một trăm phần trăm kia, bằng cách: Lật úp ngọn đèn dầu đang cháy để chứng tỏ rằng mình có lý! Thật là “vô minh” hết biết luôn!!! Vậy “vô minh” còn nặng nề hơn ngu đần. Vì đối với ngu đần nếu nói hoài, có lúc kẻ ngu kia có ngày sẽ hiểu... Nhưng đối với vô minh thì dù có nói tới mấy kiếp đi nữa, họ cũng khó có thể hiểu mà có hiểu thì cũng chỉ đi đến hiểu lầm thôi!!!
Điều kỳ lạ là khi được gọi là vô minh chúng ta ít bực mình hơn khi bị chửi là ngu!!!
Thật đúng là vô minh hết biết luôn!!!
Tà đạo: 
Chúng ta thường có thói quen kỵ hai chữ tà đạo và không ưa ai đó tặng mình hai chữ đó. Ngược lại, trong Phật giáo, chúng ta lại có hai quan niệm rõ rệt về cung cách tu hành tà đạo.

1. Phương pháp tu hành đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm cơ bản của Phật giáo: Phật Thích Ca có một lần nhắc nhở La hầu La:
-Thể xác này không là ta, linh hồn kia không là ta, tư tưởng nọ không là ta. Vì vậy, Phật giáo không chấp nhận có thể xác, linh hồn và tư tưởng trong điều kiện “toàn giác”. Nên Phật giáo có một cách tu hành đặc biệt để loại bỏ dần các thành phần trên để vào được Niết bàn. Dựa vào phát kiến đầy trí tuệ trên: Chúng ta liệt kê những pháp môn tu về: Tinh khí thần, Xuất hồn, đánh võ thần quyền, thôi miên, luyện mặt trời, luyện mặt trăng, luyện thu lôi, Bát tinh, Thất sơn, Năm ông, luyện bùa ngải... đều thuộc về tà đạo (100%).

2. Phương pháp đi đúng đường lối của Phật giáo nhưng tu sĩ không chịu vào Diệt thọ tưởng định, hay chưa vào được. Trong điều kiện này, Phật giáo vẫn gọi đó là tà đạo. Kể từ khi tu sĩ đạt được trình độ Sơ thiền (chớ không phải thiền sơ sơ) với đầy đủ tầm, tứ, hỷ, lạc. Tu sĩ đã đi trên con đường Phật giáo rồi, nhưng vẫn không hiểu gì về Phật pháp hết. Khi vào được Tứ thiền, tu sĩ lo tu về thần thông để tập làm chủ tư tưởng. Ở đây, tu sĩ đã gần kề mục tiêu của Phật giáo rồi, nhưng chưa có một tý gì về Phật pháp hết. Mặc dù với sự cố gắng hết sức, tu sĩ có thể có đủ ngũ thông:

- Thiên nhãn thông:
Quán một màn tivi, giữ cho nó trong suốt và ổn định. Tác ý muốn coi một cảnh vật nào đó (nên chọn một cảnh vật gần nơi mình ở để có thể kiểm soát khi mình làm xong thí nghiệm).

- Thiên nhĩ thông:
Quán một màn tivi giữ cho nó trong suốt và ổn định. Tác ý muốn coi một ông bạn hiện giờ ở đâu, và đang nói những gì? Liền thấy ổng đang làm cái gì đó trong màn tivi, và nghe tiếng nói của ổng “xuyên qua” đầu mình. Nhớ kiểm tra lại để tránh rơi vào ảo giác!

- Tha tâm thông:
Quán một màn tivi giữ cho nó trong suốt và ổn định. Tác ý muốn coi một ông bạn hiện giờ đang nghĩ gì? Liền nghe tiếng nói của tư tưởng ổng xuyên qua đầu mình. Nhớ kiểm tra lại để tránh rơi vào ảo giác!

- Túc mạng thông:
Quán một màn tivi giữ cho nó trong suốt và ổn định. Tác ý muốn coi một quá khứ gần mình đang làm những gì: Liền thấy mình đang làm cái gì đó trong màn ti vi. Cùng một thể thức ấy, tác ý muốn coi mình đang làm gì vào lúc ba tuổi chẳng hạn... Một tuổi... Không tuổi... Lúc này nên đặt câu hỏi “Rồi sao nữa” để thấy được tiếp... Nhớ giữ giới luật thật nghiêm khắc khi thử nghiệm

- Thần túc thông:
Trước khi thí nghiệm, lấy một cái đĩa và rắc khá dày bột phấn rôm (talc) hay tro lên đĩa đó, để dĩa trên bàn ngoài phòng khách. Vào nơi mình tu tập, nhập Tứ thiền, quán một màn tivi giữ cho nó trong suốt và ổn định. Tác ý muốn thấy nơi mình để cái dĩa và tác ý muốn vào nơi đó để ịn bàn tay mình lên đĩa đó. Liền thấy mình đứng trước đĩa và ịn bàn tay mình lên đó. Xuất định, đi ra kiểm soát coi có dấu tay mình trên đó không? Nhớ nhờ một người khác xác nhận có đúng vậy không? Để tránh rơi vào ảo giác! Sau đó tác ý đi lấy một cái gì đó của một anh bạn nào đó... Lấy xong nhớ trả lại họ chớ không thì tội nghiệp họ. Tuy vậy, họ vẫn bị Phật giáo gọi là tà đạo!!! Và như vậy, cho tới khi tu sĩ vào được Phi phi tưởng xứ. Lúc này tu sĩ có thể coi được bốn mươi kiếp (40), vì còn tà đạo, tu sĩ không cách gì coi được kiếp thứ bốn mươi mốt (41)!!!

Thật là ghê gớm, khi được biết mình vẫn còn bị kềm hãm trong tà giáo! Lúc đó tu sĩ mới hiểu được sự cao siêu của đức Phật. Chỉ khi nào Tu sĩ vào được Diệt thọ tưởng định thì lúc đó tu sĩ mới được công nhận là không còn tà đạo nữa!!! Tất nhiên còn phải vào cho đủ bảy lần để chỉ thành Độc giác Phật. Còn bậc “Như lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, thiên nhân sư, Phật, thế tôn” thì Thằng ngọng tôi, xin nghiêng mình đảnh lễ! Trên đây là con đường dành cho những người thật là bình thường đi vào chánh đạo (có nghĩa là phải đắc các từng thiền trước rồi mới vào được Chân lý). Còn một con đường khác hay hơn và rất là hiếm khi thành công, đó là con đường đi tắt vào Chân lý. Có nghĩa là, khi ngồi nghe nói chuyện đạo, tự nhiên do câu chuyện gây xúc động mãnh liệt, tâm của người đó đột biến và ngừng giao động, nếu cứ để yên như vậy thì có thể đắc ngay quả vị A La Hán mà không cần phải đắc các từng thiền. Chúng ta nên thận trọng khi gặp những cái gọi là Tà sư, có những tà sư thật sự là dở (phần 1.)
Đối với các pháp môn đó, là Phật tử, chúng ta không tu theo họ. Nhưng cũng có những “tà sư” nhưng vẫn còn dùng được vì chữ tà đây lại có nghĩa là chưa tu xong. Vậy chúng ta đừng vội cho ông này tà, bà kia chính. Vì thật sự vấn đề chính, tà hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của chúng ta. Vì oái oăm thay, chúng ta hoàn toàn vô minh có nghĩa là còn tệ hơn là tà đạo nữa! Thật vậy tà đạo chỉ dùng cho những tu sĩ hoặc tu sai lầm, hoặc chưa tu xong. Còn chúng ta không hiểu gì hết về vấn đề tu hành (vì còn là vô minh) mà bày đặt đi lo phê bình này nọ theo quan niệm rất là phàm phu của chúng ta.

Trở lại câu chuyện trước.
Nếu chúng ta thấy một vị sư không biết từ đâu tới, tự nhiên ngồi bên bờ ruộng, không nói, không cười, trời mưa trời nắng cũng không màng. Ông cứ ngồi tại chỗ không di chuyển và nhúc nhích đâu hết... Cho tới khi có vài người đi lấy củi trong rừng thấy vị thầy kỳ dị đó và tự làm cho ổng một cái chái bằng cỏ tranh. Rồi sau đó rất lâu, người ta mới xây cho ổng một cái cốc. Sau khi có cái cốc rồi, ổng mới nói pháp cho dân chúng trong vùng... Được hỏi tại sao lúc trước ông không nói, không cười trong vòng mấy tháng trời thì ông từ tốn trả lời:

- Tôi nguyện rằng: Nếu tôi đủ sức để thuyết pháp độ sanh thì dân chúng trong vùng này sẽ xây cho tôi một cái cốc... 

Nếu gặp một người như vậy, Thằng ngọng tôi thử hỏi anh em mình có cho rằng ông ấy là chính đạo không? Nên nhớ rằng ổng làm vậy trong lúc Chính phủ ngăn cấm tôn giáo rất là gay gắt. Ngay cả cán bộ trong vùng còn nể ổng nữa là! Cho tới khi anh Hoàng dẫn Thằng ngọng tôi tới mới vở lẽ ra là ổng bị Thiên Ma chơi xỏ lá: Họ đã giăng bẫy và Thầy đã ngây thơ đi vào (vì nguyên tắc là muốn có thì phải cho trước đã). Thầy đã bị khùng vì: Tinh hóa thành khí và xuất ra ở đỉnh đầu... Đến đây, chúng ta đã có một vài nhận định chính xác về Phật pháp rồi. Hiểu rõ về Vô minh, một lần nữa chúng ta lại thấy sự tác hại của nó trong sự truyền bá pháp môn Tịnh độ.
 
Pháp môn Tịnh độ là một pháp môn chuyên dùng câu A-di-đà Phật để vào chánh niệm, rồi dựa vào niềm tin mạnh mẽ, tu sĩ có thể đạt được từ Sơ phẩm đến Cửu phẩm sau đó phát đại nguyện để vào Nhất sanh bổ xứ và đi độ sanh cũng bằng câu niệm Phật bất hủ đó.
Nhưng với màn vô minh dày đặc không biết có bao nhiêu người đã cho rằng:

- Tịnh độ tông chỉ dành riêng cho những ai hết xí quách hay gần chết tu thôi. Một pháp môn chỉ dành cho những người đã hết nhựa sống tu, thực tế chả hấp dẫn tý nào! Vì vậy, người niệm Phật chiếm đa số là già. Còn đám trẻ mà nói tu Tịnh độ lại có mặc cảm nặng nề vì người đối diện thế nào cũng an ủi họ rằng: Pháp môn nào cũng tốt hết, tôi thì theo Thiền tông nó có vẻ trí tuệ hơn (ý muốn nói: Thiền tông ngon hơn Tịnh độ nhiều!) và sau câu nói xã giao, người bạn Thiền tông bỏ mặc anh chàng Tịnh độ rồi quay sang những người khác nói công án này công án nọ.

Đó là chuyện thường tình trong những nhóm theo đạo Phật. Mặt khác những buổi giảng đạo thường lấy đề tài là công án này công án nọ có vẻ hấp dẫn hơn và thu hút một số khá đông người mộ đạo trẻ tuổi. Ai cũng thích nói về các bộ kinh lớn như Kim cang, Pháp hoa, Hoa nghiêm. Còn nói về Tịnh độ, giảng sư hình như kẹt đề tài.

Thật vậy, chỉ có chúng ta ở Nam Thiệm Bộ Châu với đầy chất vô minh mới có ý nghĩ kỳ quái đó. Có lẽ chuyện này xảy ra vì cái đám học giả vốn là cái đám ăn không ngồi rồi. Tự cho mình thông minh, học giỏi lại là con nhà giầu, nên có quyền ấn loát, cắt xén nguyên bản và viết lại theo ý nghĩ của mình... Với hai thần thông: Ngu si thông và Vô minh thông, họ đã cắt xén nguyên bản của Pháp môn Tịnh độ, biến chế theo ý riêng của mình. Họ vô tình tiếp tay với Thiên ma, hóa phép từ một pháp môn cực kỳ khó khăn thành một pháp môn chỉ dành cho những ai gần đất xa trời tu mà thôi.

Thật vậy, họ có biết đâu: Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, vào một hôm, Sariputa, với sự nhạy cảm cực kỳ của mình, phát hiện ra sự đăm chiêu của đức Phật. Ông nghĩ rằng: Đây là lần độc nhất mình thấy Thầy có vẻ trầm tư một cái gì đó. Hay là mình hỏi thử xem sao? Nghĩ tới đó, ông liền hỏi và Phật im lặng không nói... Ông lại hỏi lần thứ hai, Phật vẫn im lặng... Đến lần thứ năm, Phật mới nói: Khó lắm! Rồi im lặng... Sau khi hỏi thêm bốn lần nữa, Phật đều trả lời: Khó lắm đừng hỏi thêm chi cho mất công. Và như vậy, đây cũng là lần độc nhất Phật nói Khó tới năm (5) lần trước khi trình bày một pháp môn! Một pháp môn mà khởi đầu bằng tới năm cái khó của một đức Phật thì đủ hiểu nó khó đến chừng nào...
Ấy vậy mà vẫn có người cứ cho rằng: Tịnh độ là dễ tu. 
Thật là vô minh hết biết luôn!!!